ÁN OAN SAI TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Việc làm oan người vô tội luôn luôn là một hệ quả của hành vi trái (sai) pháp luật, còn sai được hiểu là tính chất hoạt động hoặc chất lượng giải quyết vụ án hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng. Như vậy “oan” và “sai” trong tố tụng hình sự là hai khái niệm, phạm trù, hiện tượng hoàn toàn khác nhau lại có mối liên hệ với nhau. Oan, sai trong TTHS dù ở mức độ nào cũng dẫn đến những hậu quả tiêu cực đối với cá nhân và gia đình của họ, đối với xã hội & đối với Nhà nước, không đảm bảo công lý, công bằng xã hội và phòng ngừa tội phạm.
Qua các vụ án oan, sai có một đặc điểm chung rất dễ nhận thấy là luôn có những vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong quá trình tiến hành tố tụng, kết luận vụ án luôn là kết quả của sự truy xét qua áp đặt chủ quan của người tiến hành tố tụng, có dấu hiệu mớm cung, bức cung trong quá trình điều tra như các vụ án Vườn Điều ở Bình Thuận, vụ trộm cắp cổ vật ở Bắc Ninh, vụ án Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến oan, sai trong TTHS, thực tiễn vận hành hệ thống tư pháp hình sự thời gian qua cho thấy hệ thống pháp luật và việc thực thi pháp luật còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển của đất nước, với những quy định chưa đầy đủ, chưa chặt chẽ và chưa hoàn thiện, nhất là Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 luôn bị kết tội là nguyên nhân hàng đầu.
Nếu đặt chúng ta ngồi vào ghế Luật sư và những người tham dự các phiên tòa, sẽ không khó để thấy tình trạng tại nhiều phiên tòa, Hội đồng xét xử hoàn toàn dựa dẫm vào kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát Điều tra và cáo trạng của Viện Kiểm Sát, dễ dàng bỏ qua những lỗi sờ sờ của quá trình điều tra và truy tố như hồ sơ thiếu bút lục, vật chứng không niêm phong, hay thiếu vật chứng, không coi trọng thông tin mới qua quá trình tranh luận, không chú trọng thu thập chứng cứ mới tại phiên tòa, khiến vụ án chỉ được xét xử theo đúng hướng của cơ quan điều tra xác định mà không có sự thẩm định của Hội đồng xét xử.
Viết bình luận: