Động kinh là sự rối loạn từng cơn chức năng của hệ thần kinh trung ương do sự phóng điện đột ngột quá mức, nhất thời của các tế bào thần kinh ở não. Biểu hiện bằng các cơn co giật, rối loạn hành vi, cảm giác, có thể rối loạn ý thức.

          Tỷ lệ mắc bệnh động kinh nói chung khoảng 0,15 – 1%. Một số nước như Nhật Bản 0,36%, Thái Lan 0,72%. Tỷ lệ mắc ở Việt Nam khoảng 0,15%, trong đó trẻ em chiếm trên 30%.

 

 

          Nguyên nhân mắc bệnh động kinh theo nhóm tuổi

- Trẻ sơ sinh đến 1 tuổi: Ngạt chu sinh, nhiễm trùng hệ thần kinh, dị tật bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa, giảm can xi, giảm đường máu, rối loạn mạch máu, nhóm bệnh thần kinh da, sau xuất huyết não.

- Trẻ em trên 1 tuổi: Di chứng tổn thương não thời kỳ chu sinh, rối loạn chuyển hóa, giảm can xi, giảm đường máu, rối loạn mạch máu, sau chấn thương sọ não hoặc sau các bệnh nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương.

     Phân loại động kinh

- Động kinh cục bộ: Động kinh cục bộ tiên phát; động kinh cục bộ không rõ nguyên nhân; động kinh cục bộ căn nguyên ẩn (nguyên nhân không rõ ràng); động kinh cục bộ triệu chứng thứ phát; động kinh thùy thái dương, thùy trán, đỉnh, chẩm; động kinh cục bộ toàn thể hóa.

- Động kinh toàn thể: Động kinh toàn thể không rõ nguyên nhân; Co giật sơ sinh lành tính; Co giật sơ sinh lành tính có tính chất gia đình; Động kinh toàn thể nguyên phát; Động kinh giật cơ; Động kinh cơn vắng ý thức; Động kinh toàn thể căn nguyên ẩn hoặc triệu chứng; Hội chứng Lennox-Gastaut; Bệnh não giật cơ sớm; Bệnh não giật cơ với điện não đồ có chặp ức chế-bộc phát (hội chứng Otahara).

- Động kinh và hội chứng không xác định được cục bộ hay toàn bộ: Động kinh thất ngôn mắc phải (hội chứng Laudau Kleffner); Động kinh có nhọn sóng khi ngủ.

- Động kinh với hội chứng đặc hiệu: Động kinh khi có sốt.

Đặc điểm lâm sàng một số thể động kinh

- Co giật sơ sinh lành tính có tính chất gia đình: Thường xuất hiện ở ngày thứ 2-5 sau khi sinh bằng cơn co giật, giật rung, đôi lúc ngừng thở, thường không biến đổi đặc hiệu trên điện não đồ.

- Co giật sơ sinh lành tính: Khởi phát từ ngày thứ 5 sau sinh, cơn giật cơ, giật tay, giật bàn chân, có một số chuyển cơn động kinh toàn thể thứ phát, rối loạn hành vi, chậm phát triển tinh thần vận động.

- Động kinh vắng ý thức ở trẻ em: Cơn điển hình là đột nhiên mất ý thức, dừng hoạt động, mắt nhìn trừng trừng, không thay đổi tư thế, không vận động, ý thức trở lại sau vài chục giây.

- Động kinh toàn thể cơn giật cơ: Các cơ thân và chi đột ngột co mạnh, co cơ thể nhẹ hoặc rất mạnh làm mất thăng bằng ngã ra.

Bệnh động kinh ở trẻ em thường rất khó phát hiện, nếu người lớn chúng ta không có kinh nghiệm và hiểu biết để phát hiện sớm căn bệnh này thì rất nguy hiểm, bởi nếu để lâu, bệnh sẽ trở thành mãn tính thì rất khó điều trị.

Trên đây là những chia sẻ mà sachphapluat.net đã chia sẻ với các bạn. Hy vọng đây sẽ là những kiến thức quý báu giúp các bạn biết cách phát hiện sớm căn bệnh phức tạp này, nếu được can thiệp sớm thì bệnh này cũng sẽ điều trị khỏi.