Thời gian gần đây, lợi dụng những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều tổ chức, cá nhân đã đưa ra những thông tin sai sự thật, giật gân, câu like trên các trang mạng xã hội. Hành vi này không chỉ làm nhiễu loạn thông tin, tạo tâm lý hoang mang mà còn gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch. Do đó, xử lý kiên quyết việc đưa thông tin sai sự thật liên quan đến dịch Covid-19 cũng như những thông tin bị nghiêm cấm trên không gian mạng là hết sức cần thiết.
Khi người dùng chia sẻ những thông tin bị nghiêm cấm trên không gian mạng tung tin giả mạo sai sự thật trên mạng có thể bị phạt 10-20 triệu đồng. Thông tin gây hoang mang dư luận, cản trở người thi hành công vụ có thể bị xử lý hình sự. Quy định pháp luật đã đủ sức làm "sạch" không gian mạng.

Các Biện Pháp Ngăn Chặn, Xử Lý Khi Người Dùng Chia Sẻ Những Thông Tin Bị Nghiêm Cấm Trên Không Gian Mạng

Ai cũng có thể tạo ra thông tin chỉ với một chiếc điện thoại được kết nối Internet. Và mọi thứ trên mạng được trộn lẫn theo kiểu "lẩu thập cẩm" với đủ loại tin tức. Trong đó, nguy hại nhất là những tin tức được "cố ý" tạo lập, sắp xếp nhằm dẫn dắt dư luận vì một mục đích không tốt đẹp nào đó.
Gần đây cũng nổi lên nhiều vụ người nổi tiếng chia sẻ, phát tán thông tin thiếu căn cứ, sai sự thật về dịch bệnh corona. Chỉ nghe lời đồn, thậm chí tự bịa đặt thông tin để phát tán, gieo rắc hoang mang dư luận. Đã có bao nhiêu người nhẹ dạ, cả tin tiếp tay cho cái sai để nỗi hoang mang lan xa. Số ít người được xử lý nhưng vẫn còn số đông những người tiếp tục phát tán thông tin vì những mục đích riêng. Xã hội tiếp tục bị "tấn công" bởi tin giả, tin sai nhiễu loạn giữa những ngày nóng bỏng dịch bệnh.
Chúng ta đã thấy nhiều nạn nhân của những trò vu khống trên mạng. Từ chuyện một cô hoa hậu cho đến những doanh nhân, thầy giáo nổi tiếng đến những người bình thường bỗng một ngày thành "tâm bão", bị "ném đá" không thương tiếc cả trên mạng lẫn ngoài đời. Biết bao người đã hoang mang càng hoang mang hơn vì đọc và tin tưởng vào status của những nghệ sĩ nổi tiếng...
Dường như mỗi lần có thời sự "nóng" là trên mạng xã hội lại xuất hiện những tin giả được... chuẩn bị kỹ lưỡng. Sau đó, đám đông trên mạng sẵn những hòn đá vô hình để mạt sát người khác dưới vỏ bọc "đòi công bằng" hay "quyền phản biện". Việc thể hiện cái đúng trên mạng xã hội dường như rất khó khăn, khi ở đó có quá nhiều người thích a dua, gây hấn, luôn tỏ ra mình rất hiểu, rất mạnh và rất đúng. Việc "đòi công bằng" trên không gian này cũng bất chấp đúng sai.
Mạng xã hội mang đến nhiều thông tin nhanh, đa dạng góc cạnh hơn, nhưng mặt trái của nó là thao túng ta bằng những tin giả được tạo như tin thật. Mức phạt 10-20 triệu đồng có thể là một con số lớn, nhưng chúng ta xem đó là một bước đi cần thiết để tạo ra một không gian sạch trên mạng. Ở đó, không ai có thể giấu mình để nói xấu hay vì một mục đích nào đó để làm hại đến người khác dù trực tiếp hay gián tiếp.

Các Biện Pháp Ngăn Chặn, Xử Lý Khi Người Dùng Chia Sẻ Những Thông Tin Bị Nghiêm Cấm Trên Không Gian Mạng

Căn cứ Khoản 8, 9 Điều 16 và Khoản 2 Điều 26 Luật An ninh mạng 2018 thì các biện pháp ngăn chặn, xử lý khi người dùng chia sẻ những thông tin bị nghiêm cấm trên không gian mạng được quy định như sau:
- Khi người dùng chia sẻ những thông tin bị nghiêm cấm trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; bịa đặt, sai sự thật (theo quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 16 Luật An ninh mạng 2018)) doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải có trách nhiệm sau đây:
+ Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng và chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung bị nghiêm cấm.
+ Ngăn chặn việc chia sẻ thông tin, xóa bỏ thông tin có nội dung bị nghiêm cấm trên dịch vụ hoặc hệ thống thông tin do cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông và lưu nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng trong thời gian theo quy định của Chính phủ;
+ Không cung cấp hoặc ngừng cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng cho tổ chức, cá nhân đăng tải trên không gian mạng thông tin có nội dung bị nghiêm cấm khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Tổ chức, cá nhân soạn thảo, đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung bị nghiêm cấm phải gỡ bỏ thông tin khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.