Uniqlo với khởi đầu từ một cửa hàng nhỏ của gia đình ở miền quê của Nhật, Tadashi Yanai đã đưa Uniqlo vươn lên đứng đầu ngành bán lẻ toàn cầu nhờ triết lý cung cấp sản phẩm hoàn hảo và không làm tất cả vì lợi nhuận.

       Với tổng cộng khoảng trên 2.000 cửa hàng thời trang tại Nhật và ở những nước khác. Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của Uniqlo không hề do may mắn mà là nhờ tài năng lãnh đạo của ông chủ Tadashi Yanai. Ông đã xây dựng nên đế chế Uniqlo bằng cách luôn làm “khác người” với một tầm nhìn đầy táo bạo và cải tiến.

       Tôn chỉ của Yanai là “luôn mang đến những mẫu quần áo mặc thường ngày hợp mốt, chất lượng cao mà bất cứ ai cũng đều có thể mặc và có thể mặc ở bất cứ đâu tại bất cứ nơi nào với giá bán thấp nhất có thể”. Và Uniqlo luôn tuân theo tôn chỉ này. Bất cứ ai lướt các mẫu quần áo tại một trong những cửa hàng của Uniqlo và mặc quần áo của thương hiệu này đều có thể cảm nhận được chất lượng tốt cũng như giá cả phải chăng của nó. Để làm được điều này, Yanai đã không ngừng thúc đẩy cải tiến tại Uniqlo và sự cải tiến này có mặt ở mọi bộ phận trong Công ty từ kỹ thuật tiên tiến trong sợi vải cho đến cách thức hoạt động vô cùng tinh gọn.

       Dòng sản phẩm HeatTech là một ví dụ điển hình cho thấy tính cải tiến đằng sau mọi thứ mà Uniqlo làm. HeatTech được mô tả trên website của Uniqlo là “loại vải có lợi thế cạnh tranh vì có khả năng hấp thụ nhiệt từ cơ thể tỏa ra và lưu trữ nhiệt trong các túi không khí nằm sâu trong sợi vải nhằm giúp giữ ấm cho người mặc”. Loại vải này do Uniqlo phối hợp với một công ty khoa học về vật liệu nghiên cứu và phát triển ra. Vải của HeatTech mỏng, tạo cảm giác thoải mái cho người mặc. Chất liệu vải đặc biệt này giúp các nhà thiết kế có thể tạo ra nhiều kiểu dáng quần áo thanh lịch, khác với tiêu chuẩn thông thường của loại quần áo mặc để giữ ấm. Công nghệ HeatTech tiếp tục được cải tiến qua thời gian với công nghệ sợi mới. Trong năm 2003, 1,5 triệu sản phẩm HeatTech đã được bán ra trên thế giới và con số này đã tăng đến hơn 130 triệu sản phẩm vào năm 2012. HeatTech chỉ là một trong số những sản phẩm mang tính đột phá của Uniqlo bên cạnh các sản phẩm khác như AIRism (một loại vải co giãn) và Lifewear (kết hợp giữa đồ thể thao và đồ mặc thường ngày).

       Trong khi hầu hết các thương hiệu đều chạy theo xu hướng thời trang thì Uniqlo lại không như thế. Quan điểm của ông chủ Uniqlo là sản xuất loại quần áo phù hợp với mọi đối tượng khách hàng và có thể mặc ở bất kỳ đâu và bất kỳ nơi nào. Không theo các xu hướng thời trang mới nhất có nghĩa là Uniqlo có thể sản xuất hàng loạt, đáp ứng các đơn đặt hàng lớn mà các đối thủ không thể làm được. Càng nhiều sản phẩm được làm ra, càng nhiều sản phẩm được đặt hàng và kết quả là giá bán trở nên rẻ hơn so với các đối thủ và nhờ thế, sức tiêu thụ cũng tốt hơn. Giá bán mềm hơn cũng là nhờ chiến lược hoạt động của Uniqlo cho phép Công ty có được lợi thế về chi phí và độ nhanh nhạy. Cụ thể là thay vì thuê ngoài ở một số công đoạn thì Uniqlo lại có các nhóm phụ trách tất cả các khâu từ lên kế hoạch sản phẩm, thiết kế cho đến sản xuất và phân phối.

 

 

       Ngày 6/8/2015, độc giả của New York Times (NYT) rất ngạc nhiên khi lần đầu tiên họ nhận được thư ngỏ từ một doanh nhân Nhật. Bài báo được đăng kín 2 trang của New York Times. Doanh nhân giàu nhất nước Nhật Tadashi Yanai viết: “Những người tiêu dùng Mỹ yêu quý, nước Mỹ là một đất nước tuyệt vời. Nó mang đến cơ hội cho nhiều người. Tôi đã tin vào điều đó khi tôi mở cửa hàng đầu tiên tại Nhật cách đây 31 năm. Tôi đã có tham vọng sẽ mang ý tưởng của mình đến nước Mỹ và thật hạnh phúc khi nay tôi đã làm được điều đó.”

        Thực tế, đó không phải lần đầu tiên doanh nhân Tadashi Yanai thể hiện tham vọng chinh phục nước Mỹ. Từ tháng 8/2012, trong cuộc gặp gỡ của ông với phóng viên WSJ tại văn phòng của mình tại Tokyo, ông đã tuyên bố: “Người Mỹ cho rằng cotton là tốt nhất, tôi sẽ phát minh ra loại vải tốt hơn thế, nó sẽ thay đổi cách tiêu dùng và mặc quần áo của cả nước Mỹ.” Vậy Tadashi Yanai đã phát minh ra cái gì? Ông sản xuất ra loại vải heat tech (giữ nhiệt) giúp giữ ấm nhiệt độ cơ thể cực tốt. Và gần đây ông đã tung ra dòng sản phẩm siêu nhẹ mà theo ông, nó nhẹ đến nỗi người ta còn không biết người ta đang mặc nó trên người. Khi phóng viên hỏi ông liệu ông có mặc sản phẩm do ông sản xuất ra trong cuộc sống thường ngày, lập tức ông cởi cúc áo sơ mi để cho thấy ông đang mặc sản phẩm đồ lót nam của thương hiệu Uniqlo.

       Ông có đủ lý do để tự hào về “đế chế” kinh doanh quần áo lớn nhất châu Á mà mình đã tạo ra. Với mục tiêu doanh thu 50 tỷ USD vào năm 2020, Uniqlo sẽ vượt xa tất cả các đối thủ khác như H&M, Gap hay Inditex (công ty sở hữu thương hiệu Zara). Tính toán của Forbes năm 2015 cho thấy, ông Tadashi là người giàu nhất nước Nhật với tổng tài sản 24 tỷ USD. Ông đồng thời được coi là 1 trong 100 người có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới.

       Tập đoàn Uniqlo của ông không chỉ thành công với sản phẩm quần áo sáng tạo công nghệ Nhật mà họ còn rất nổi tiếng về cách điều hành. Quản lý cửa hàng của Uniqlo tốt đến nỗi hàng tháng công ty phải tổ chức các khóa học quản lý cửa hàng cho các quản lý ngành bán lẻ khắp nơi trên thế giới.

       Quản lý cấp cao của một tập đoàn may mặc châu Âu đã phải thốt lên: “Uniqlo quá thành công. Họ biết trân quý tất cả mọi khách hàng. Họ đối xử với khách hàng ít tiền tử tế gấp 3 lần so với sự đối xử mà người đó nhận được từ các hãng bán lẻ khác.