Phần lớn các bậc cha mẹ đều biết cách làm cho con mình khỏe mạnh về thể chất nhưng lại không chú ý đến sức khỏe về mặt tinh thần. Tâm lý trẻ em không được quan tâm đúng mức gây nên những ảnh hưởng xấu về tính cách con người, mà sau này có muốn cũng không thể thay đổi được.

          Việc không hiểu về tâm lý con cái đặc biệt là trẻ từ 0 đến 6 tuổi, có thể dẫn đến những hậu quả ngược lại: Muốn con thông minh, đặt quá nhiều kỳ vọng và sự hối thúc biến thành áp lực học tập khiến bé từ vui vẻ hoạt bát sang trầm lặng, muốn con có chí tiến thủ thì lại chôn vùi sự tự tin, muốn con được nổi trội hơn người thì lại khiến con trở nên yếu đuối bất lực ... Đây là những thực tế mà chúng ta có thể nhìn thấy được và bản thân bố mẹ có thể thay đổi thực tế đó bằng cách trang bị một chút kiến thức về tâm lý học ở trẻ em.

          Giáo dục sớm không thể xem nhẹ sự trưởng thành và phát triển của tâm lý trẻ em. Ngoài mục đích có một cơ thể khỏe mạnh và tự do phát triển, mục đích quan trọng nhất vẫn là kích thích sự trưởng thành toàn diện về tâm lý, để chúng ta có thể trở thành con người có ích cho chính mình, cho gia đình và xã hội.

          Tâm lý của con người là danh từ chung chỉ các hiện tượng tâm lý như cảm giác, tri giác, khả năng ghi nhớ, tư duy, trí tưởng tượng, tình cảm, ý chí, năng lực và tính cách. Hiện tượng tâm lý của con người vô cùng phức tạp và rất khác nhau, bản thân tâm lý của mỗi người cũng lại khác nhau. Nhưng dù nó có thể giúp con người phát triển thành tài hay liều thuốc hủy hoại thì nó cũng được hình thành từ thế giới khách quan. Khi không có các hiện tượng sự vật diễn ra xung quanh, não sẽ không có đối tượng để phản ánh, kết cấu và bản thân các tế bào não teo nhỏ lại, như vậy đồng nghĩa với trí óc con người trở nên trống rỗng, tinh thần nghèo nàn. Chính vì vậy, để trẻ nhỏ có thể phát triển, bố mẹ cần gieo những hạt mầm cảm xúc, trí tưởng tượng, tư duy rộng mở, tính cách cao quý, đồng thời có niềm đam mê và sở trường riêng, muốn làm được điều đó cuộc sống của con trẻ phải đa dạng.

          Vì sao hoạt động tâm lý trẻ em từ 0 đến 6 tuổi lại quan trọng ? Trí tuệ và tính cách của con người được xây dựng từ nhiều hình thức khác nhau trên cơ sở một cuộc sống phong phú và thú vị. Nếu bạn không cho bé nhận thức được thế giới, đặt các câu hỏi, bé sẽ không thể có được cảm giác, trí nhớ và tư duy, nếu bạn không cho bé giao lưu với bạn bè, không chơi trò chơi thì bé sẽ không có được niềm vui trong cuộc sống, tình bạn và niềm hạnh phúc. Nếu con của bạn không được hoạt động chân tay mà suốt ngày bị quản lý trong cũi, xe nôi và xe đẩy thì bé sẽ kém trong việc thực hiện thao tác, không có thao tác, não giảm hẳn hoạt động tư duy, sáng tạo, tưởng tượng. Tóm lại “bông hoa tâm lý” của con người chỉ có thể bừng nở trong mảnh đất đầy sưc sống với nguồn nước đầy đủ, nguồn dinh dưỡng phong phú, ánh sáng và khí hậu phù hợp...

          Sự phát triển của những hoạt động tâm lý trên gắn liền với sự phát triển của não bộ. Như chúng ta đã biết đặc điểm của não bộ là phát triển rất nhanh, chỉ mất 6 năm để hoàn thiện, trong khi các bộ phận khác cơ bản phải mất đến 15 năm, và trọng lượng của nó phát triển nhanh nhất ở giai đoạn 0 đến 3 tuổi. Chính vì vậy việc áp dụng giáo dục sớm trong giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi thực sự là “một vốn bốn lời” để dạy con thành tài.