Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virut cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối và mông. Đặc biệt bệnh này kèm theo dấu hiệu thần kinh hoặc tim mạch như sốt cao, giật mình, lừ đừ, run chi, bứt rứt, khó ngủ, nôn nhiều, rung giật cơ, đi loạng choạng, da nổi vân tím, vã mồ hôi, chân tay lạnh. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây ra biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong, do đó cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. 

        Bệnh tay chân miệng lưu hành ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tại nước ta, bệnh tay chân miệng gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương trong cả nước, số ca mắc bệnh thường tăng từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12.         Bệnh tay chân miệng lây truyền qua đường tiêu hóa như thức ăn, nước uống, bàn tay của trẻ hoặc của người chăm sóc trẻ, các đồ dùng, đặc biệt là đồ chơi và vật dụng sinh hoạt hằng ngày như chén, bát, đĩa, thìa, cốc bị nhiễm virus từ phân hoặc dịch nốt phỏng, vết loét hoặc dịch tiết đường hô hấp, nước bọt. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây truyền do tiếp xúc trực tiếp người - người qua các dịch tiết đường hô hấp, nước bọt. Một số yếu tố có thể làm gia tăng sự lây truyền và bùng phát dịch như: Mật độ dân số cao, sống chật chội, điều kiện vệ sinh kém, thiếu nhà vệ sinh, thiếu hoặc không có nước sạch phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày. Mọi người đều có thể cảm nhiễm với virus gây bệnh nhưng không phải tất cả những người nhiễm virus đều có biểu hiện bệnh. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt nhóm trẻ dưới 3 tuổi. 

 

 

        Bệnh tay chân miệng hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh đặc hiệu nên việc thực hiện các biện pháp vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi sinh hoạt là rất cần thiết. Để chủ động phòng bệnh cho trẻ em, các bậc phụ huynh cần thực hiện 3 sạch  (ăn, uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch và đồ chơi sạch). Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hoặc cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống; vật dụng ăn uống phải bảo đảm được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); bảo đảm sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi, không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống, đồ chơi chưa được khử trùng. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; sử dụng nhà tiêu vệ sinh, phân và chất thải của bệnh nhân phải được thu gom hợp vệ sinh.

 

Điều Trị Bệnh Tay Chân Miệng Tại Bệnh Viện

 

        Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất. Tổ chức các đội tự quản tại chỗ (phối hợp ban, ngành, đoàn thể) để hàng ngày kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại từng hộ gia đình, đặc biệt gia đình bệnh nhân và những gia đình có trẻ em dưới 5 tuổi.

        Khi mắc bệnh, nếu bệnh nhân được điều trị tại nhà theo quy định thì phải được cách ly ít nhất 10 ngày kể từ ngày khởi phát bệnh. Khi thấy trẻ có các biểu hiện biến chứng thần kinh hoặc tim mạch như giật mình, rung giật cơ, đi loạng choạng, ngủ gà, yếu liệt chi, mạch nhanh, sốt cao (trên 390C) thì phải đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.