Khu Di Tích Lịch Sử Bãi Cọc Làm Nên Chiến Thắng Bạch Đằng
Khu di tích lịch sử Bạch Đằng nằm trên địa bàn thị xã Quảng Yên và thành phố Uông Bí của tỉnh Quảng Ninh. Đây là địa điểm ghi dấu sự kiện quân và dân nhà Trần đã lập nên chiến thắng lẫy lừng - Chiến thắng Bạch Đằng đánh tan quân Nguyên Mông ngày 09/4 (8/3 - Âm lịch) năm 1288.
Ngày nay du khách vẫn có thể tận mắt thấy dấu tích bãi cọc gắn liền với trận đại thắng trên trên sông Bạch Đằng, một biểu tượng cho truyền thống người Việt đánh giặc ngoại xâm từ phương Bắc.
Nằm trên đường trục đường giao thông từ Hà Nội về thành phố Hạ Long, bãi cọc Bạch Đằng ở thị xã Quảng Yên thuộc khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng là điểm dừng chân không thể bỏ qua. Từ ngã tư thị xã Quảng Yên đi về hướng Phà Rừng khoảng 2 km, rẽ trái khoảng 500 m, du khách sẽ đến với bãi cọc Yên Giang, một phần của trận địa cọc Bạch Đằng năm xưa.
Trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta, sông Bạch Đằng đã từng ba lần chứng kiến quân và dân ta chiến thắng oanh liệt quân xâm lược phương Bắc hùng mạnh đều bằng các cây cọc gỗ cắm xuống lòng sông Bạch Đằng. Đó là chiến thắng Bạch Đằng năm 938, chiến thắng Bạch Đằng năm 981 và đỉnh cao là chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.
Năm 938, Ngô Quyền đóng cọc gỗ ở sông, đem quân khiêu chiến nhử quân giặc vào trận địa bố trí rồi tung quân đánh tan chiến thuyền giặc Nam Hán, mở ra một kỷ nguyên độc lập, tự chủ của nước Đại Việt.
Năm 981, Lê Hoàn theo cách đánh của Ngô Vương Quyền, sai quân sĩ trống cọc gỗ ở sông để cản quân xâm lược nhà Tống, giữ vững nền độc lập của Tổ quốc.
Đặc biệt, chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 dưới sự chỉ huy của Trần Hưng Đạo đã khẳng định sức mạnh không thể nào lay chuyển được của quân dân Đại Việt, phá tan âm mưu cướp nước ta của đế quốc Nguyên - Mông.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, dấu tích của trận chiến Bạch Đằng năm 1288 vẫn còn hiện hữu qua những di tích tiêu biểu:
Bãi cọc Yên Giang: nằm ở cửa sông Chanh, dài khoảng 118m, rộng 20m. Đa phần những cọc được tìm thấy ở khu vực này đều được làm từ thân cây lim hoặc táu, còn để nguyên vỏ. Chiều dài thân cọc từ 2,6m đến 2,8m, phần cọc được đẽo nhọn để cắm xuống lòng sông dài từ 0,5m đến 1m. Hiện nay, bãi cọc Yên Giang đã được khoanh vùng bảo vệ, xây kè xung quanh, dựng bia giới thiệu di tích.
Bãi cọc đồng Vạn Muối: nằm ở cửa sông Rút. Trong quá trình canh tác, đào ao thả cá, nhân dân đã phát hiện được nhiều cọc gỗ cắm đứng và cắm xiên trong khu vực đồng Vạn Muối. Một số cọc đã được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Bạch Đằng, Bảo tàng Hải quân, Bảo tàng Hải Phòng. Hiện nay, bãi cọc nằm trong khu vực đầm nuôi thủy sản và ruộng canh tác của phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên.
Bãi cọc đồng Má Ngựa: nằm ở cửa sông Kênh, cách bãi cọc đồng Vạn Muối khoảng 1km về hướng Nam, thuộc khu Hưng Học, phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên. Bãi cọc có quy mô khoảng 2.100m2, trải dài 70m theo chiều Đông - Tây và rộng 30m theo chiều Bắc - Nam. Mật độ phân bố và độ sâu của cọc không đồng đều.
Tuy ngày nay đa phần các đầu cọc đã bị mục gẫy, du khách vẫn có thể hiểu thêm về lịch sử của bãi cọc cũng như nghệ thuật quân sự tài tình của Trần Hưng Đạo qua tấm bia đá dựng ngay gần đó. Trên bia ghi rõ: "Dựa vào địa thế sông Bạch Đằng (thế kỷ thứ XIII), lòng sông có nhiều bãi bồi và dải đá ngầm, Trần Hưng Đạo đã cho đóng những bãi cọc ở vị trí hợp lý tạo thành một trận địa cọc chặn đánh đường rút chạy của giặc Nguyên Mông".
Đền Trần Hưng Đạo: đây là địa điểm lưu niệm vị anh hùng dân tộc, thiên tài quân sự Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Đền tọa lạc trên một doi đất cổ, có tổng diện tích trên 5.000m2, với các hạng mục, như đền chính, nhà bia, nhà soạn lễ và một số hạng mục phụ trợ (đường vào, nghi môn, trụ biểu, sân vườn, hệ thống điện chiếu sáng, tường bao....).
Hiện nay, trong đền còn lưu giữ được nhiều đạo sắc phong của các vua triều Nguyễn phong cho Trần Hưng Đạo và một số hiện vật khác.
Miếu Vua Bà: nằm sát đền Trần Hưng Đạo, thuộc khu vực trung tâm của Khu di tích. Tương truyền, đây là miếu thờ bà bán hàng nước, người đã chỉ dẫn cho Trần Hưng Đạo biết lịch triều con nước, địa thế lòng sông Bạch Đằng và chiến thuật hỏa công để Trần Hưng Đạo xây dựng trận địa cọc đánh giặc Nguyên Mông. Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, Trần Hưng Đạo đã tâu với vua Trần, sắc phong cho bà bán hàng nước là Vua Bà và lập đền thờ Bà ngay trên nền quán nước.
Bến Đò Rừng: là nơi Trần Hưng Đạo chọn làm địa điểm phát hỏa làm hiệu lệnh cho quân sĩ mai phục ở hai bên sông Bạch Đằng đồng loạt tấn công giặc Nguyên Mông. Hiện nay, bến đò cổ đang được khôi phục, với chiều rộng là 120m, chiều dài hơn 300m. Đầu bến là một tòa phương đình, gồm 2 tầng, 8 mái, đầu đao uốn cong hình rồng. Sát mặt bến nước có tòa khán đình, với kiến trúc 1 tầng mái, vì kèo gỗ lim, có 4 đầu đao ở 4 góc mái.
Đình Yên Giang: là nơi thờ Thành hoàng làng Yên Giang. Vào các dịp lễ lớn của làng, dân làng thường rước tượng Trần Hưng Đạo từ đền Trần Hưng Đạo về đây để tế lễ. Đình được dựng trên gò đất cao, xung quanh là ruộng đồng. Hiện nay, trong đình vẫn lưu giữ được nhiều hiện vật quý hiếm, có niên đại từ thời Nguyễn, như bia đá, hoành phi, câu đối, sắc phong.
Đền Trung Cốc (Trung Cốc từ): nằm trên một gò đất cao. Tương truyền, khi đi thị sát địa hình để chuẩn bị cho trận đánh, Trần Hưng Đạo và Phạm Ngũ Lão đã bị mắc thuyền ở đây. Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, để ghi nhớ sự kiện này, những người dân chài ở đây đã lập đền thờ Trần Hưng Đạo và Phạm Ngũ Lão. Trong đền còn phối thờ Yết Kiêu, Dã Tượng và hai người con gái của Trần Hưng Đạo là Đệ nhất Quyên Thanh công chúa và Đệ nhị Đại Hoàng công chúa.
Đình Trung Bản: là nơi thờ Trần Hưng Đạo, gồm các hạng mục: tả vu, hữu vu, nghi môn trụ biểu, cuốn thư trấn môn, nhà khách, nhà phụ trợ, sân vườn, tường bao... Trong đình hiện còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật giá trị, có niên đại vào khoảng cuối thời Hậu Lê, đầu thời Nguyễn, như bộ kiệu bành bát cống, quán tẩy, bia đá, sắc phong...
Đình Đền Công: là nơi thờ những người đã hy sinh trong trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288. Kiến trúc của đình khá đơn giản, gồm ba gian, hai chái, chiều dài hơn 17m, chiều rộng hơn 5m. Nền đình cao hơn sân 1m, có năm bậc thềm đá và hai lan can đá chạm rồng chầu hai bên.
Ngoài một số di sản văn hóa vật thể tiêu biểu kể trên, trong khu vực di tích hiện nay còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa phi vật thể có giá trị. Lễ hội Bạch Đằng được tổ chức bắt đầu từ ngày mồng Sáu và kết thúc vào ngày mồng Chín tháng Ba (Âm lịch) hằng năm. Ngoài những nghi lễ thông thường, trong hội còn có các trò diễn, trò chơi dân gian, như hát đúm, chơi cờ người, tổ tôm điếm, đánh đu, đấu vật, chọi gà, đua thuyền... thu hút được sự quan tâm đặc biệt của người dân trong vùng và du khách thập phương.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của Khu di tích, ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là Di tích Quốc gia đặc biệt (Quyết định số 1419/QĐ-TTg) .
Để xứng đáng với một Khu Di Tích mang tầm cỡ Quốc gia, những năm qua, nhiều hạng mục công trình của Khu Di Tích đã được đầu tư tôn tạo với số vốn lên tới hàng trăm tỷ đồng như: Đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, bến Đò Cổ, đình Trung Bản, đền Trung Cốc… Nhằm quảng bá giá trị di tích, địa phương đã xây dựng nhiều bộ phim tài liệu, phóng sự, trong đó mới đây nhất là đã làm bộ phim “Bạch Đằng vang mãi khúc tráng ca” phát trên VTV2 và VTV4 để giới thiệu cho du khách trong nước và quốc tế hiểu biết thêm về truyền thống Bạch Đằng. Nhiều thế hệ học sinh đã đến đây trong những chuyến đi dã ngoại, ngoại khoá để được chứng kiến tận mắt di tích lịch sử này.
Viết bình luận: