Kiếm Tiền Tỷ Mỗi Năm Từ Nuôi Cá Bống Bớp
Cá Bống Bớp là loài cá thường sống ở vùng cửa sông lớn, thịt ngon và lành, có giá trị kinh tế cao, được người dân ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định đầu tư nuôi, mỗi năm thu về tiền tỷ. Với lợi thế nằm giữa hai con sông lớn là sông Ninh Cơ và sông Đáy, có chiều dài trên 20 km bờ biển, vùng bãi triều rộng lớn và giàu phù sa, vi sinh vật, vi khoáng núi đá vôi vô tận đã tạo cho huyện Nghĩa Hưng nhiều lợi thế trong nuôi trồng thủy, hải sản; đặc biệt thích hợp cho sự phát triển, sinh trưởng của cá Bống Bớp.
Cá Bống Bớp ban đầu là loài cá nước mặn, được đánh bắt tự nhiên ngoài biển, nhưng đã "bén duyên" và gắn bó trong "ao nhà" ở vùng đất Nghĩa Hưng từ hơn 20 năm trước, khi ngư dân bắt được cá bé sau mỗi chuyến ra khơi đã gom lại nuôi trong ao. Với đặc tính khỏe, dễ nuôi, được thị trường ưa chuộng nên cá bống bớp nhanh chóng được người nuôi thủy sản vùng mặn lợ đưa vào nuôi đại trà ở một số xã của huyện Nghĩa Hưng như Nghĩa Thắng, Nghĩa Lợi, Nghĩa Hải, Nông trường Rạng Đông…
Nhờ bén duyên với cá bống bớp, anh Nguyễn Văn Sơn ở tổ dân phố 6, thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, Tỉnh Nam Định đã sở hữu trại ương cá giống bống bớp hiện đại nhất nhì tỉnh và có trong tay tài sản hàng tỷ đồng. Thành quả đó chỉ được tạo dựng sau rất nhiều lần thất bại, có lúc anh đã phải bán nhà trả nợ.
Sinh ra từ vùng quê ven biển, từ bé anh Sơn đã quen với việc làm đầm, bãi. Khi thì anh làm muối, khi thì nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh. Năm 1997, thấy nhiều hộ nuôi cua biển cho thu nhập cao, anh Sơn cũng nuôi thử. Quả nhiên, vài năm đầu, anh Sơn “bội thu” từ nuôi cua biển. Từ hai bàn tay trắng, anh Sơn có tiền rủng rỉnh.
Được đà, anh Sơn chuyển sang ương cua giống và đứng ra thu mua cá, hải sản từ biển cho bà con. Bỏ ra nhiều công sức, tiền bạc nhưng việc ương cua giống gặp thất bại liên tiếp. Cùng với công việc buôn bán không thuận lợi, số tiền anh Sơn tích lũy được cứ hao dần. Đỉnh điểm, đến năm 2002, anh Sơn phải bán căn nhà ở trung tâm chợ để trả nợ cho bà con.
“Sau cú ngã ấy, tôi rất hoang mang nhưng quyết không bỏ cuộc. Sinh ra ở làng biển, có vùng bãi triều rộng lớn rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy, hải sản, nên sống chết thế nào tôi cũng phải gắn bó với nghề. Vấn đề là mình phải tìm con nuôi phù hợp. Sau nhiều ngày tính toán, suy nghĩ, tôi quyết định đầu tư nuôi cá bống bớp”, anh Sơn nhớ lại.
Anh Nguyễn Văn Sơn (giữa) đang kiểm tra cá Bống Bớp nuôi tại hồ
Rút kinh nghiệm từ thất bại nuôi cua, anh Sơn quy hoạch ao, nuôi cá bống bớp bài bản, bờ ao chắc chắn, không rò rỉ và cẩn thận điều chỉnh đo đếm dư lượng thức ăn, thuốc thú y. “Mới đầu nuôi cá bống bớp, tôi cũng gặp vô vàn khó khăn. Ngã đâu, đứng đấy, tôi cứ vừa làm vừa rút kinh nghiệm từ những thất bại”, anh Sơn thổ lộ.
Cách đây chục năm, bống bớp bị bệnh trướng bụng là nỗi kinh hoàng của nhiều hộ nuôi cá. Bống bớp mắc bệnh này là lây lan, rồi chết hàng loạt không cách nào chữa trị. Để tìm ra cách điều trị, mỗi lần cá bị bệnh anh Sơn chia cá ra nhiều ô nhỏ và thử điều trị những cách khác nhau để tìm ra phương pháp tốt nhất. Những bệnh khác của cá bống bớp anh Sơn đều làm như thế để hạn chế thấp nhất rủi ro. Dần dần, anh Sơn thuần thục quy trình nuôi, cách phòng trị bệnh cho cá.
Theo anh Sơn, nuôi cá bống bớp khá thuận lợi, thị trường tiêu thụ cũng dễ dàng. Thức ăn của cá bống bớp là cá tạp xay nhỏ, không sử dụng cám công nghiệp nên chất lượng thịt rất ngon và lành. Mọi đối tượng như người già, trẻ nhỏ, người gầy yếu suy nhược cơ thể... đều có thể dùng cá bống bớp như thực phẩm bổ dưỡng.
Anh Sơn cho hay, bống bớp vốn là loài cá nước mặn, đánh bắt tự nhiên ngoài biển và là đặc sản của địa phương. Điều đặc biệt là tỉnh Nam Định có 3 vùng nuôi thủy sản mặn lợ, nhưng duy nhất huyện Nghĩa Hưng nuôi thành công cá bống bớp tại vùng bãi triều rộng khu vực cửa sông Ninh Cơ và sông Đáy.
Trong quá trình nuôi, khó khăn nhất đối với anh Sơn lúc bấy giờ là tìm nguồn giống cá bống bớp ổn định. “Để có cá bống bớp thả ao nuôi, tôi phải đi đánh bắt con giống tự nhiên ngoài biển về nuôi vỗ thành thương phẩm. Việc nuôi cá bống bớp dựa hết vào tự nhiên như vậy nên có thời điểm bị khan hiếm. Hơn nữa, loại giống này không đáp ứng được kích cỡ, số lượng và mùa vụ nên người dân muốn triển khai quy mô nuôi lớn cũng khó...”, anh Sơn cho biết.
Nhận thấy việc nuôi cá bống bớp mà không chủ động được con giống sẽ rất bất lợi, anh Sơn nảy ý tưởng nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo đảm bảo việc nuôi cá thương phẩm. Khi trình bày kế hoạch, ai cũng khuyên can và bảo anh là “gàn”. Có người ác ý còn nói không khéo lại phải bán nhà trả nợ như hồi ương cua giống.
Đã quyết tâm là làm đến cùng, anh Sơn liên hệ với các chuyên gia nuôi thủy sản ở Hải Phòng để tìm ra công nghệ ương giống cá bống bớp. Hồi ấy, cứ vài bữa dân làng ven biển lại thấy các chuyên gia thủy sản về nhà anh Sơn, hai bên trao đổi, bàn bạc. Năm 2010, bà con rất ngạc nhiên khi thấy anh Sơn đầu tư xây dựng trại giống cá bống bớp với công nghệ hiện đại cả tỷ đồng.
“Tuy thời gian đầu có kỹ sư hướng dẫn nhưng giữa lý thuyết và thực tế khác xa nhau nên tôi vẫn phải chủ động là chính. Tôi phải vừa mày mò làm rồi ghi chép, nghiên cứu, điều chỉnh phương pháp để giảm chi phí sản xuất. Cả năm trời, tôi cùng ăn, cùng ngủ trong trại cá giống”.
Đến nay, trại cá giống của anh Sơn đã đi vào chuyên môn hóa quy trình sản xuất, số lượng cá ương tăng dần từng năm. Với 104 bể ương (mỗi bể có thể tích 6m3), anh Sơn đang nuôi hơn 1 tấn cá bống bớp bố mẹ, mỗi năm sản xuất hơn 9 triệu con giống. Từ sản xuất con giống cá bống bớp anh Sơn có thu nhập hơn 5 tỷ đồng/năm.
Anh Sơn chia sẻ: “Bình quân mỗi ngày, cơ sở tôi cung cấp 5 – 7 tạ cá cho các nhà hàng lớn ở nhiều tỉnh thành trong nước và chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đạt tới hơn 1 tấn/ngày”.
Điều đáng chú ý, mô hình nuôi cá bống bớp của anh Sơn theo chuỗi khép kín, sản xuất theo quy trình VietGAP từ khâu sản xuất cung ứng giống, nuôi thương phẩm, thu mua, sơ chế và tiêu thụ. Hiện cơ sở của anh Sơn là một trong số ít đại lý thu gom tiêu thụ cá bống bớp trên địa bàn huyện.
Viết bình luận: