Tai nạn liên quan đến đuối nước xảy ra rất phổ biến ở Việt Nam, nên việc dạy trẻ học bơi và kĩ năng ứng phó khi tai nạn liên quan đến sông nước xảy ra là vấn đề cực kỳ cần thiết, mà người chịu trách nhiệm trước tiên chính là các bậc phụ huynh.

Vì sao lại dạy trẻ học bơi sớm?

Trên thực tế, hàng năm ở Việt Nam xảy ra rất nhiều vụ đuối nước, nhất là với trẻ nhỏ. Theo kết quả điều tra của Quỹ nhi đồng LHQ tại Việt Nam (UNICEF), trung bình mỗi năm ở Việt Nam có hơn 7.000 trẻ em bị chết vì đuối nước, trong đó 50% là trẻ dưới 5 tuổi. Tình trạng đuối nước ở trẻ em Việt Nam được xếp vào hàng cao nhất nhì khu vực Đông Nam Á và cao gấp 8 - 10 lần các nước phát triển.

Còn theo một báo cáo khác, những ca tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em hầu hết đều bắt nguồn từ đuối nước, trong đó trẻ từ 18 tháng tuổi đến 4 tuổi có tỷ lệ đuối nước cao nhất, đứng sau đó là trẻ từ 5 – 9 tuổi.

Ở các nước phát triển, trẻ học bơi từ khi lọt lòng

Ở các nước tiên tiến như Mỹ, Anh, Úc, Đức và nhiều nước phương Tây, cha mẹ rất chú trọng cho con làm quen với bơi lội từ vài tháng tuổi và dịch vụ dạy trẻ sơ sinh bơi lội rất phát triển. Tại các lớp này, trẻ được học rất nhiều kỹ năng để các bé có thể bơi chìm đầu trong nước, lúc mệt lật mình nằm thở trên lưng, rồi lại úp mình bơi tiếp... Ngoài ra, bơi lội cũng nằm trong danh sách các môn học bắt buộc hoặc tự chọn tại các trường trung học.

Tại Mỹ, Hiệp hội Nhi khoa Mỹ cho biết trẻ em có thể học bơi an toàn từ khi 1 tuổi. Tuy nhiên, tại quốc gia hàng đầu về chăm sóc sức khỏe trẻ em này, các lớp học bơi "cha và con" để dạy cho trẻ sơ sinh học bơi chỉ vài tháng tuổi rất phổ biến. Hiệp hội Chữ thập đỏ Mỹ cho rằng dạy bơi cho trẻ sớm sẽ giúp trẻ tránh được tai nạn đuối nước, tuy nhiên cần phải chú ý đến quy mô lớp học (mỗi lớp không nên quá 10 học sinh) và mức độ giám sát của người lớn.

 

 

Tại Phần Lan và nhiều nước phương Tây, cha mẹ rất chú trọng cho con làm quen với bơi lội từ bé. Tại các bể bơi, việc trẻ em vài tháng tuổi hoặc 1 vài tuổi đi bơi cùng cha mẹ là điều rất thường thấy. Hơn nữa, bơi lội đã được đưa vào chương trình giáo dục thể chất phổ thông với trên 80% trẻ em lớp 6 biết bơi thành thạo. Ngoài ra, các bài học bơi còn được chú trọng hơn cho trẻ em đang đi nhà trẻ và mới bắt đầu vào lớp 1.

Ngay từ tiểu học, trẻ em Nhật đã được học bơi vì người Nhật cho rằng đây là một trong những kỹ năng sinh tồn vô cùng quan trọng. Trẻ phải được học bơi càng sớm càng tốt.

Tại Trung Quốc, các em bé vài tháng tuổi đã được cho đi học bơi, bởi các bà mẹ Trung Quốc quan niệm đây không chỉ là môn học kĩ năng cần thiết mà nó còn giúp phát triển trí não cho trẻ. Họ không cho trẻ em bơi lội trong một bể nước rộng ở các bể bơi công cộng mà cho mỗi em bé sơ sinh một bể bơi riêng – bé bằng cái… chậu rửa bát. Trẻ sơ sinh được tập bơi bằng một chiếc phao đeo ở cổ giống như loại phổ biến được dùng cho trẻ đi bơi ở Việt Nam.

Nên cho trẻ học bơi từ bao nhiêu tuổi?

Câu hỏi nên dạy trẻ học bơi từ khi nào phụ thuộc vào điều kiện, sở thích của mỗi đứa trẻ và gia đình.

- Với trẻ sơ sinh: Trẻ em có thể bơi từ tháng thứ 4 theo bản năng với khả năng tự ngừng thở và ngậm miệng. Việc cho trẻ học bơi trước 1 tuổi, sẽ mang lại nhiều lợi ích: gợi nhớ cho trẻ về môi trường nước chúng đã trải qua từ khi còn trong bụng mẹ; giúp trẻ bớt sợ hãi khi học bơi sau này vì nhiều trẻ sẽ cảm thấy sợ khi đến vài tuổi mới bắt đầu làm quen với môi trường bể bơi.

Đây cũng là giai đoạn các bé học bơi dễ dàng nhất bởi lúc này các bé không sợ nước như bố mẹ nghĩ.

- Với trẻ mẫu giáo: Theo các chuyên gia sức khỏe, đây là giai đoạn thích hợp nhất để dạy bơi cho trẻ 1 cách toàn diện vì khi đó trẻ đã đủ phát triển về thể chất và tâm lý. Ở giai đoạn này, các bé có thể đã sợ nước hoặc xuống nước rất hiếu động nên việc cho trẻ học bơi không dễ dàng như với trẻ dưới 18 tháng tuổi.

Nếu cho trẻ bắt đầu học bơi ở lứa tuổi này, bố mẹ nên kiên trì và cho trẻ học có giáo trình, giáo viên hướng dẫn bài bản. Tiến độ học bơi nhanh hay chậm phụ thuộc vào tiến độ từng trẻ.

- Trẻ ở độ tuổi tiểu học có thể học bơi theo hướng dẫn nhanh chóng, thậm chí chỉ sau vài buổi học đã biết bơi cơ bản. Song nếu đợi đến độ tuổi này mới dạy bơi cho trẻ thì khi trẻ còn nhỏ sẽ không biết ứng phó khi gặp tai nạn liên quan đến sông nước.

Những chú ý khi bạn dạy bơi cho con

- An toàn là trên hết nhưng không sử dụng áo phao

Không bao giờ được chủ quan, đặc biệt với một người mới bắt đầu. Nhiều ba mẹ cho rằng khi bé đã học bơi, thì bé có thể bơi một mình. Mặc dù một vài đứa trẻ có thể trở thành vận động viên bơi lội cũng cần phải được giám sát trong khi bơi.

Đặc biệt, nếu gia đình nào có bể bơi trong nhà, bể bơi cần có sự có mặt của người lớn để con không tự ý lại gần bể bơi, tránh những tai nạn đáng tiếc.

Luôn phải có một người cứu hộ hoặc quan sát. Đừng bao giờ cho con sử dụng áo phao khi đang bơi, bởi con sẽ trở nên phụ thuộc và rất khó thích nghi với môi trường nước.

- Luôn có sự chuẩn bị

"Không chuẩn bị có nghĩa là chuẩn bị cho sự thất bại". Luôn lên kế hoạch cho các bài học để con nâng cao các kỹ năng và tiến bộ.

- Môi trường học tập vui vẻ

Mỗi lớp học nên có những niềm vui, tiếng cười, những lời khen ngợi và phản hồi tích cực.

- Chỉ dạy tỉ mỉ

Kỹ năng bơi có thể được dạy từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Luôn đưa ra những nhận xét và chỉ dạy chi tiết nhất và đúng nhất cho bé.

- Dạy kỹ năng phù hợp với lứa tuổi

Dạy đi dạy lại một kỹ năng bạn sẽ sợ con cảm thấy nhàm chán, vì vậy bạn đổi sang dạy kĩ năng mới. Đó là sai lầm rất lớn. Học tập là một quá trình, do vậy con cần luyện tập thành thạo từng kĩ năng để đảm bảo an toàn nhất cho con.

- Sự yêu thích của con

Đừng nên đặt năng một kỹ năng nào với con. Con phải yêu thích học bơi, trước khi có thể học bơi.

- Học như chơi

Trẻ mẫu giáo cần một cách tiếp cận khác với việc bơi lội so với người lớn. Điều quan trọng nhất là phải khiến bé thích thú với bài học bơi bằng việc kết hợp các trò chơi vui nhộn.

- Khen ngợi con

Con không phải lúc nào cũng tiếp thu ngay được một kỹ năng mới. Bạn nên khen ngợi nỗ lực của con như kỹ năng làm chủ bản thân, sự kiên nhẫn và chăm chỉ. Nhờ vậy, con sẽ học thêm được nhiều kĩ năng sống hơn ngoài kĩ năng bơi.