Nghệ thuật hát bài chòi ở Bình Định được cho là xuất hiện vào khoảng thế kỷ XVII. Lúc đầu người ta hát trong các chòi canh trên nương rẫy ở những vùng trung du nhằm xua đuổi thú dữ, rồi lan rộng đến các vùng nông thôn và ra cả miền biển. Đây vừa là loại hình nghệ thuật diễn xướng mang tính sáng tạo ngẫu hứng, vừa là trò chơi dân gian vui nhộn, đầy trí tuệ. Bài Chòi là hình thức chơi bài nhưng không mang tính sát phạt, ăn thua như ở sòng bài, mà chỉ để giải trí bằng hình thức đối đáp vui xuân.

Theo sự sáng tạo, dân gian từng bước nâng nghệ thuật bài chòi biểu diễn trong các dịp tết cổ truyền hay lễ hội văn hóa dân gian. Hát bài chòi đặc biệt thú vị và sinh động như một trò chơi dân gian đặc trưng. Địa điểm tổ chức hát bài chòi thường diễn ra trong các đình làng hoặc trên những khu bãi đất trống, gần các khu dân cư, gần chợ, thuận lợi cho mọi người đi dự hội. Để chơi Bài Chòi, người ta dựng 9 hoặc 11 chòi bằng tre, nứa, lợp tranh như những chòi canh giữ rẫy, xếp theo hình chữ U. Chòi ở đáy chữ U gọi là chòi cái được dựng lớn hơn và cao hơn. Trước khi bắt đầu hội chơi, người quản trò sẽ bán 9 thẻ bài cái làm bằng tre, mỗi thẻ bài có ghi tên ba con bài con. Người chơi sẽ mua thẻ nếu mua thẻ bài cái thì ngồi lên một chòi. Người quản trò sau khi chúc tết mọi người thì bắt đầu đến ống thẻ rút từng con bài để hô tên. Chòi nào có tên con bài đó thì đánh 3 tiếng mõ để người quản trò biết, và cho đến khi chòi nào trúng cả 3 con bài thì người quản trò (Hiệu) xuớng tên người đó thắng cuộc và được lĩnh thưởng, kết thúc một lượt chơi và sau đó lượt chơi mới lại bắt đầu.

Sức hấp dẫn tạo nên sự thu hút chủa nghệ thuật bài chòi chính do người quản trò biết cách gây thu hút. Nghệ thuật nhất chính là họ phải biết đọc các bài vè thật vui tai, thật hay hoặc bài chòi kể chuyện mới có thể níu chân khách. Họ đọc bằng thể văn vần lục bát xuôi tai dựa trên cốt truyện các câu chuyện, trích đoạn tuồng, chèo hoặc các truyện Trung Hoa. Tích truyện Bài Chòi là những bài học về đạo đức, lòng nhân ái, tình yêu quê hương, đất nước và đoàn kết dân tộc. Nội dung bi hài của Bài Chòi phản ánh nhân tình thế thái và phê phán thói hư tật xấu, khiến người xem phải suy ngẫm hoặc vui cười sảng khoái.

 

 

Bài Chòi hiện vẫn được duy trì và thực hành thường xuyên không chỉ ở Bình Định mà ở hầu khắp các tỉnh Nam Trung bộ. Tỉnh Bình Định hiện vẫn còn một số câu lạc bộ Bài Chòi cổ thường xuyên trình diễn do những nghệ nhân tâm huyết, yêu nghề tập hợp và truyền dạy cho thế hệ kế tiếp, hoạt động dưới sự bảo trợ của Trung tâm văn hóa tỉnh Bình Định. Hiện nay, có nhiều người đứng ra làm “bầu” tập hợp các nhóm bài chòi, tạo thành một gánh bài chòi đi trình diễn khắp nơi phục vụ người hâm mộ. Hình thức này có vẻ khá hay bởi nó duy trì nét văn hóa đặc sắc của tỉnh Bình Định nói riêng cũng như văn hóa Việt Nam nói chung đến đông đảo khắp trong và ngoài nước.

Nếu bạn có dịp đi du lịch đến Bình Định và muốn biết về nghệ thuật bài chòi thì đừng lo lắng, khi bạn nghe truyền miệng rằng chỉ có tết cổ truyền mới tổ chức. Hiện nay, đến tỉnh Bình Định vào những ngày cuối tuần, bạn sẽ không khó để bắt gặp những hội bài chòi khá thú vị được tổ chức. Và đương nhiên, bạn cũng có thể cùng tham gia trò chơi dân gian hấp dẫn này.