Vịnh Hạ Long được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vẻ đẹp tự nhiên với non nước hùng vĩ, đẹp tựa như một bức tranh sơn thủy bí ẩn và thơ mộng. Những chứng tích lịch sử, văn hóa và phong tục của vịnh Hạ Long góp phần làm tăng thêm giá trị lịch sử thiên nhiên ban tặng cho cảnh đẹp nơi đây. Mảnh đất được UNESCO công nhận là kỳ quan thiên nhiên thế giới và trở thành một trong những điểm du lịch thu hút hàng triệu lượt khách tham quan mỗi năm.

Những chứng tích lịch sử, văn hóa và phong tục của vịnh Hạ Long

Những chứng tích lịch sử, văn hóa và phong tục của vịnh Hạ Long

Vịnh Hạ Long là nơi gắn liền với những trang sử của quân dân Việt Nam trong suốt thời kỳ dựng nước và giữ nước với những địa danh như Vân Đồn, nơi có hải cảng cổ tại miền Bắc Việt Nam vào thế kỷ 12. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết sự hình thành thương cảng Vân Đồn: "Kỷ Tỵ, (Đại Định) năm thứ 10 (1149). Mùa xuân, tháng hai, thuyền buôn ba nước Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La vào cảng Hải Đông (vịnh Hạ Long) xin cư trú buôn bán, bèn cho lập trang ở hải đảo, gọi là Vân Đồn, để mua bán hàng hóa quý, dâng tiến sản vật địa phương". Thương cảng Vân Đồn với đặc điểm là có nhiều đảo đất, đảo đá ngang dọc, chia cắt biển thành nhiều vũng, luồng lạch sâu và kín gió, giúp cho thuyền bè neo đậu an toàn, không bị gió bão uy hiếp, đã khiến khu vực này trở nên sầm uất trong thông thương với khu vực và nhiều nơi trên thế giới. 
Bên cạnh thương cảng Vân Đồn, tại vùng vịnh Hạ Long còn có Núi Bài Thơ lịch sử, nơi lưu lại bài thơ chữ Hán của Lê Thánh Tông hoàng đế khắc trên đá từ năm 1468, nhân chuyến tuần du vùng biển phía Đông; và bút tích của chúa Trịnh Cương năm 1729. Bãi Cháy phía bờ Tây của Vịnh, tương truyền gắn với sự tích những chiến thuyền chở lương thực của quân Nguyên - Mông bị quân dân nhà Trần do Trần Khánh Dư chỉ huy đốt cháy, dạt vào làm cháy cả cánh rừng trong khu vực. Trên Vịnh còn có hang Đầu Gỗ, nơi còn vết tích hiện vật là những cây cọc gỗ được Trần Hưng Đạo cho đem giấu trước khi đóng xuống lòng sông Bạch Đằng, và cách Vịnh không xa là cửa sông Bạch Đằng, chứng tích của hai trận thủy chiến trong lịch sử chống ngoại xâm phương Bắc. 
Hàng trăm đảo, hang động, nhũ đá trong vịnh Hạ Long được đặt tên theo các huyền thoại, truyền thuyết, hoặc theo trí tưởng tượng dân gian phong phú của cộng đồng cư dân nơi đây. 

Những chứng tích lịch sử, văn hóa và phong tục của vịnh Hạ Long

Những chứng tích lịch sử, văn hóa và phong tục của vịnh Hạ Long

Về phong tục và văn hóa, ngư dân làng chài Cửa Vạn trên vùng vịnh Hạ Long hiện nay còn lưu giữ những câu hát giao duyên cổ xưa, đó là lối hát đúm, hò biển và hát đám cưới. Trong đó, theo cụ Nguyễn Văn Cải, ngư dân cao tuổi của làng chài Cửa Vạn, hát đám cưới của Hạ Long không kém gì lối hát của người quan họ Kinh Bắc, và đám cưới của cư dân vạn chài cũng khá đặc biệt vì theo phong tục chỉ được tổ chức trong những ngày rằm. Đây là lúc trên Vịnh có trăng sáng, cá ăn tản, người dân chài không đi đánh cá. 
Vịnh Hạ Long là vùng biển đảo có khí hậu phân hóa 2 mùa rõ rệt là mùa hè và mùa đông. Mùa hè nhiệt độ từ tháng 4 đến tháng 10 với nhiệt độ khoảng 26 - 31 độ C, mùa đông từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau với không khí lạnh nhiệt độ khoảng 15 - 21 độ C. Nhiệt độ trung bình năm dao động khoảng 15-25 độ C nên có thể thấy khí hậu Hạ Long khá tốt bởi vậy du lịch Hạ Long là điểm du lịch quanh năm dành cho du khách trong nước và quốc tế.
Trên vịnh Hạ Long có khoảng 40 đảo mới có người dân sinh sống với khoảng gần 2.000 người tập trung chủ yếu ở các làng chài ven biển như Cửa Vạn, Cặp Dè, Ba Hang,…với cuộc sống của ngư dân chủ yếu là đánh bắt, nuôi trồng, lai tạo các giống thủy, hải sản. Hiện nay đời sống của người dân Vịnh Hạ Long với phát triển kinh doanh dịch vụ du lịch đã mang đến cho đời sống của người dân cuộc sống phát triển, ổn định hơn.