Những Phẩm Chất Cần Có Của Một Lãnh Đạo
Để trở thành người lãnh đạo, bạn cần phải trải qua một thời gian dài được rèn luyện những phẩm chất cần có và học tập kinh nghiệm từ những người đi trước. Thế nhưng nhiều người trong chúng ta thường xem nhẹ điều đó và cứ giữ mãi quan niệm chủ quan khi cho rằng họ sinh ra là để làm người đứng đầu. Một người lãnh đạo thực sự cần phải có tư thế đĩnh đạc, sự tự tin, khả năng thuyết phục người khác... Câu hỏi lớn đặt ra là làm thế nào bạn có thể hội tụ đủ những phẩm chất đó?
1. Tầm nhìn xa
Một người lãnh đạo có vai trò quan trọng hơn một cá nhân rất nhiều. Anh ta dường như luôn hoạch định tốt mọi công việc và là người cung cấp những lời khuyên hữu ích nhất cho những cộng sự và thuộc cấp của mình. Không chỉ có một tầm nhìn xa, anh ta còn phải biết cách truyền đạt những ý tưởng của mình cho người khác hiểu để cùng với mình thực hiện tốt những ý tưởng đó, những thông điệp được truyền đi phải luôn sinh động, rõ ràng và phải có sức thuyết phục cao. Do đó sự thành thạo trong khả năng giao tiếp bằng lời nói luôn là phẩm chất cần có của một người lãnh đạo giỏi.
2. Sự tự tin
Một người lãnh đạo giỏi phải luôn có lòng tự tin vào chính mình, thông thường sự tự tin này hình thành từ sự thật là bất cứ một người lãnh đạo nào cũng đã từng trải qua thời gian dài rèn luyện những kỹ năng trong công việc, tích lũy vốn kiến thức rộng cùng với sự thông minh sẵn có của anh ta. Bên cạnh đó cho dù không có những kỹ năng, kinh nghiệm kia thì anh ta cũng là người biết nhận thức, học hỏi điều đó từ những người khác.
3. Tính kiên định
Một người lãnh đạo mạnh mẽ cần phải có lập trường vững vàng trong các quyết định của mình. Tuy nhiên điều này không bao gồm những tư tưởng bảo thủ, ngoan cố không biết sửa chữa những sai lầm, hơn nữa anh ta phải biết nghiêng về lẽ phải trong việc phân xử các xung đột trong nội bộ của mình.
4. Biết chấp nhận mạo hiểm
Nhiều người làm lãnh đạo nhưng không giám mạo hiểm, bởi vì họ sợ phải nhận lấy thất bại. Tuy nhiên nếu bạn là người lãnh đạo có tham vọng, bạn cần phải tự hỏi chính mình rằng liệu sự mạo hiểm đó có đáng giá hay không? Nếu cảm thấy sự liều lĩnh của mình là đáng bỏ công, bạn cần biết vượt qua rào cản tâm lý lo sợ, e ngại và dũng cảm đương đầu với thử thách.
5. Sự quả quyết
Là người đứng đầu, bạn được trông chờ trong việc đưa ra những quyết định quan trọng trong khi những người khác thường cố gắng tránh xa nó, cho dù những quyết định này đôi khi sẽ tạo ra những tác động lớn ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa bạn và những người xung quanh mình thì bạn cũng phải chấp nhận điều đó. Sự cả nể, nhân nhượng trong cách đưa ra quyết định có thể dẫn bạn đến những sai lầm khi tạo tiền lệ xấu dẫn đến việc làm mất đi cái “Uy” trong vị thế là người lãnh đạo.
6. Sẵn sàng hi sinh lợi ích cá nhân
Bạn có sẵn sàng làm điều đó để công việc của mình tiến triển tốt hay không?
Là một người đứng đầu một tập thể, bạn phải tốn rất nhiều thời gian và công sức để quản lý tốt những người dưới quyền và công việc của mình, thậm chí sự bận rộn đó còn chiếm cả những thời gian riêng tư dành cho bản thân và gia đình bạn.
7. Khả năng thích nghi
Phương thức kinh doanh có thể hiệu quả trong hôm nay, nhưng ngày mai thì nó lại khác, một người lãnh đạo có tài, cần phải nhận thức được điều đó và phải biết thức thời trong việc thích nghi và chấp nhận thay đổi, phải luôn cập nhật những kỹ năng, công nghệ và phương pháp mới để thúc đẩy sự phát triển trong công việc của mình.
Để trở thành một nhà lãnh đạo tài năng thật không dễ dàng chút nào, nó đòi hỏi bạn phải thật sự yêu thích công việc của mình cùng với những công sức và sự nỗ lực không ngơi nghỉ để có thể hội tụ được những phẩm chất cần có của người lãnh đạo. Hãy tự hỏi mình vì sao những người khác cần phải lắng nghe, tôn trọng và thực hiện theo sự điều động, hướng dẫn của bạn. Chắc chắn bạn sẽ tìm thấy động lực để hoàn thành tốt vai trò của một người lãnh đạo.
Viết bình luận: