Quần thể danh thắng Tràng An nằm ở khu vực ranh giới giữa huyện Hoa Lư với các huyện Gia Viễn, Nho Quan, thành phố Tam Điệp và thành phố Ninh Bình. Về mặt hành chính, vùng lõi Tràng An nằm trên 12 xã: Trường Yên, Ninh Hải, Ninh Hòa, Ninh Xuân, Ninh Vân, Ninh Thắng (Hoa Lư); Ninh Nhất, Ninh Tiến (TP.Ninh Bình); Gia Sinh (Gia Viễn); Yên Sơn (Tam Điệp) và Sơn Hà, Sơn Lai, (Nho Quan); vùng đệm Tràng An nằm trên 20 xã, cũng gồm 12 xã trên và 8 xã: Ninh Giang, Ninh Mỹ, Ninh An, Gia Trung, Gia Tiến, Quỳnh Lưu, Tân Bình, Ninh Phong.

     Vùng lõi Tràng An có diện tích hơn 6.172 ha, chủ yếu thuộc 2 xã Trường Yên và Ninh Hải (huyện Hoa Lư), là vùng bảo vệ đặc biệt của danh thắng. Vùng bảo vệ đặc biệt này nằm trọn trong quy hoạch khu du lịch Tràng An với diện tích 12.252 ha. Diện tích các khu vực bảo tồn đặc biệt của vùng lõi Tràng An như sau: Trung tâm cố đô Hoa Lư: 314 ha; Khu Tam Cốc - Bích Động: 350 ha; Khu sinh thái Tràng An: 2.133 ha; Rừng đặc dụng Hoa Lư: 3.375 ha. Theo quy hoạch thành phố Ninh Bình thì tương lai danh thắng Tràng An sẽ thuộc về thành phố này.

     Quần thể danh thắng Tràng An nằm gần các quốc lộ 1A, QL38B, QL12B và trong tứ giác nước được giới hạn bởi các sông: sông Hoàng Long ở phía Bắc; sông Chanh ở phía Đông; sông Hệ ở phía Nam; sông Bến Đang (và một phần sông Chim) ở phía nam.

 

Danh thắng Tràng An

 

     Năm 2014, Khi được UNESCO công nhận là di sản thế giới, trong vùng lõi Tràng An có 14.000 cư dân sinh sống, vùng đệm có 21.000 cư dân sinh sống, trong khi dân số 12 xã vùng lõi ~73.000 người, 8 xã vùng đệm là ~ 49.000 người và tổng toàn bộ 20 xã nêu trên là 122.000 người. Người Tràng An là người Kinh, sống trong lòng di sản chủ yếu bằng nghề trồng trọt và dịch vụ du lịch.

     Trong phạm vi quần thể danh thắng Tràng An có một số làng nghề tiêu biểu của Ninh Bình như nghề thêu ở xã Ninh Hải, nghề chế tác đá mỹ nghệ ở xã Ninh Vân, nghề xây dựng ở xã Trường Yên. Người Tràng An ngày nay được coi là hậu duệ của những cư dân cổ của nền văn hóa Tràng An, vốn là nền văn hóa cổ nhất ở Việt Nam.

     Quần thể danh thắng Tràng An là một địa danh du lịch tổng hợp gồm các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới do UNESCO công nhận ở Ninh Bình. Trước đó, nhiều di tích danh thắng nơi đây đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng như Khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, chùa Bái Đính, cố đô Hoa Lư... Liên kết giữa các khu vực này là hệ sinh thái rừng đặc dụng Hoa Lư trên núi đá vôi, đất ngập nước và hệ thống sông, hồ, đầm với diện tích 12.252 ha. Quần thể di sản thế giới Tràng An mang trong mình những khung cảnh thiên nhiên độc đáo từ đá núi, hệ sinh thái, rừng cây, thảm thực vật, đồng lúa, hồ đầm và những tuyến du thuyền trên sông Ngô Đồng, suối Tiên, sông Vọc, sông Sào Khê, sông Đền Vối, sông Bến Đang. Nơi đây sở hữu những hang động đẹp như động Thiên Hà, động Tiên, động Tiên Cá, động Vái Giời, động Thủy Cung, hang Bụt, hang Tam Cốc, hang động Tràng An, hang Sinh Dược; những di chỉ khảo cổ học có giá trị như hang Mòi, hang Bói, hang Trống, mái Ốc, thung Bình, thành Hoa Lư; những di tích lịch sử nổi tiếng gắn với 4 vương triều Đinh - Lê - Lý - Trần như cung điện Hoa Lư, đền Vua Đinh - Vua Lê, chùa Bích Động, chùa Bái Đính, hành cung Vũ Lâm, đền Thái Vi, đền Trần hay những thắng cảnh khác như vườn chim thung Nham, thung Nắng, hang Múa, rừng đặc dụng Hoa Lư...

     Ngày 23 tháng 6 năm 2014, tại Doha, với sự đồng thuận tuyệt đối của Ủy ban Di sản thế giới, Quần thể danh thắng Tràng An chính thức trở thành di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam khi đáp ứng cả hai yếu tố nổi bật về văn hóa và thiên nhiên. Tràng An hiện cũng là di sản thế giới kép đầu tiên và duy nhất ở khu vực Đông Nam Á. Trong quy hoạch phát triển du lịch tại Việt Nam, Tràng An cũng là địa danh được đầu tư để trở thành một khu du lịch tầm cỡ quốc tế. Năm 2015, theo công bố của Cục Di sản văn hóa về số lượng khách tham quan các điểm du lịch Việt Nam, Quần thể danh thắng Tràng An là khu du lịch dẫn đầu khi đón hơn 5 triệu lượt khách, bỏ xa các địa danh tiếp theo là vịnh Hạ Long đón trên 2,5 triệu lượt khách, cố đô Huế đứng thứ ba với hơn 2 triệu lượt khách, phố cổ Hội An đón khoảng 1,1 triệu lượt khách; Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đón khoảng 740.000 lượt khách.

     Tràng An là địa điểm nổi bật trong khu vực Đông Nam Á và có ý nghĩa trên phạm vi thế giới cho thấy cách mà người tiền sử tác động qua lại với cảnh quan tự nhiên và thích ứng với biến đổi to lớn về môi trường trải dài ít nhất 30.000 năm.

     Trên 30 di tích khảo cổ học thời tiền sử, chủ yếu thuộc nền văn hóa Tràng An đã được phát hiện trong Quần thể danh thắng Tràng An. Kết quả nghiên cứu cho thấy cách người tiền sử thích nghi với biến cố lớn về môi trường, cảnh quan. Ít nhất là từ khoảng 23.000 năm đến nay, một số nền văn hóa tiền sử đã tiến hóa liên tục ở khu vực này, từ thời đồ đá cũ qua thời đại Đá mới đến thời đại đồ Sắt và đồ Đồng như các nền văn hóa Tràng An, Hòa Bình, Đa Bút. Trong khoảng thời gian đó, khu vực này cũng đã trải qua một số lần dao động mực nước biển đáng kể. Trong điều kiện tự nhiên đặc biệt, hầu như chỉ có đá vôi là chất liệu đá duy nhất, người Tràng An đã biết sử dụng nó làm công cụ lao động ít nhất cho đến cách ngày nay khoảng 3.000 năm, trong quá trình đó đã nhận biết được rằng đá vôi đô-lô-mít thuộc loại chất liệu tốt nhất có thể có. Đồng thời với giai đoạn biển tiến lớn nhất cuối cùng (khoảng 7.000-4.000 năm trước) người tiền sử Tràng An đã biết tới nghệ thuật làm đồ gốm. Những chứng cứ sớm nhất được cho là tương đương với gốm Đa Bút (6.000 năm trước), nhưng thực tế đã được làm ra ở đây sớm hơn nhiều (khoảng 9.000 năm trước) và tiến hóa liên tục qua thời đại Kim khí đến tận sau này. Việc sử dụng đồ gốm từ sớm và liên tục ở Tràng An chứng tỏ rằng một trung tâm gốm sứ rất khác biệt so với nhiều trung tâm gốm sứ khác ở Việt Nam đã từng tồn tại ở đây. TS. Masanari Nishimura (Nhật Bản) qua nghiên cứu khảo cổ học tiền sử Quần thể danh thắng Tràng An đã khẳng định: Cách đây 5.000-6.000 năm trước, có một trận động đất lớn ở Tràng An và người Việt cổ ở Tràng An đã trải qua nhiều sự biến đổi của thiên nhiên để thích ứng và phát triển cho đến ngày nay, tạo nên một giá trị về một nền văn hóa Tràng An.

     Đến thế kỷ X ở thung lũng mở Hoa Lư, người Tràng An đã không ngừng phát triển bản sắc văn hóa của họ trong sự hòa hợp, chặt chẽ với cảnh quan thiên nhiên. Vị anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp loạn 12 sứ quân đã xây dựng Kinh đô Hoa Lư ở đây bằng cách đắp thành, nối liền những ngọn núi, khép kín thung lũng đá vôi để phục hưng văn hóa, mở ra ba triều đại đầu tiên của nền phong kiến độc lập Việt Nam: nhà Đinh, nhà Tiền Lê, nhà Hậu Lý với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, đánh Tống - dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội.

     Đến thế kỷ XIII triều đại nhà Trần lại chọn vùng núi Tràng An để xây dựng hành cung Vũ Lâm với vai trò là một căn cứ quân sự để củng cố lực lượng góp phần chiến thắng quân Nguyên – Mông và là nơi các vua Trần xuất gia tu hành, mở mang phật giáo.

 

 

     Khu rừng môi trường Hoa Lư ngày nay có hàng loạt các giá trị lịch sử, văn hoá và du lịch. Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư hiện nay còn rất nhiều công trình kiến trúc đình, đền, chùa, phủ như: đền Vua Đinh Tiên Hoàng, đền Vua Lê Đại Hành, đền thờ Công chúa Phất Kim, chùa Nhất Trụ, phủ Vườn Thiên, chùa Kim Ngân, chùa Duyên Ninh, phủ Chợ, động Am Tiên, đình Yên Trạch, chùa Bà Ngô, động Liên Hoa, đền Trần, phủ Khống, phủ Đột, chùa Bái Đính, động Thiên Tôn, động Hoa Lư, đền thờ Đinh Bộ Lĩnh...

     Quần thể thắng Tràng An ngoài vẻ đẹp ngoại hạng còn là khu vực bảo vệ đặc biệt của Cố đô Hoa Lư, gắn liền với các giá trị lịch sử văn hóa của vùng đất cố đô Hoa Lư nên được đầu tư mở rộng để trở thành khu du lịch lớn. Chính phủ Việt Nam đã cho phép tỉnh Ninh Bình tiến hành khai quật, nạo hút bùn đất tạo đường giao thông thủy bộ và làm sáng tỏ các giá trị văn hóa, du lịch của danh thắng này. Danh thắng Tràng An gồm nhiều khu du lịch với tổng hợp các sản phẩm như du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh, lễ hội, khám phá cũng như nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học... Đây là khu du lịch tầm cỡ và quy mô ở Việt Nam với tổng diện tích được quy hoạch lên tới 12000 ha.

     Quần thể thắng Tràng An thuộc phạm vi quy hoạch mở rộng thành phố Ninh Bình, hướng tới trở thành một thành phố du lịch trọng điểm của Việt Nam.