Việc đặt tên có ý nghĩa vô cùng quan trọng, cái tên có vai trò ảnh hưởng rất nhiều đến vận mệnh của cả một đời người. Tên của mỗi người chính là biểu tượng phản ánh toàn bộ chủ thể bản thân con người ấy. Cái tên cũng dùng rất nhiều trong giao tiếp, trong học tập, sinh hoạt hay công việc hàng ngày. Vì lẽ đó, cái tên tạo thành một trường năng lượng có ảnh hưởng vô cùng quan trọng đến vận mệnh của mỗi con người.

          Từ xa xưa cha ông ta đã lưu ý rất nhiều khi đặt tên cho con cháu mình, thời phong kiến, người xưa có quan niệm rằng kỵ đặt tên phạm húy, tức là đặt tên trùng với tên họ của vua quan quý tộc, như thế sẽ bất lợi cho con cháu. Ngoài ra cũng kỵ đặt những tên quá mỹ miều, sợ quỷ thần ghen ghét làm hại nên lúc nhỏ sẽ khó nuôi. Những người có học hành chữ nghĩa thì đặt tên cho con cháu theo những ý nghĩa đặc trưng của nho giáo như Trung, Hiếu, Nghĩa, Thiện ...

          Ngày nay việc đặt tên có xu hướng phóng khoáng hơn xưa, nhưng cái tên vẫn có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, không những chỉ mang yếu tố mỹ cảm mà về yếu tố Âm Dương, Ngũ Hành, cái tên còn có vai trò rất quan trọng trong việc cải tạo vận mệnh của mỗi người.

 

 

          Tổng quan những lý thuyết quan trọng cho việc đặt tên bao hàm những yếu tố sau:

- Cái tên phải được đặt phù hợp với truyền thống của mỗi dòng họ. Từ xưa đến nay trong văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa Á Đông nói chung luôn đề cao vai trò của gia đình, dòng họ. Con cháu phải kế thừa và phát huy được những truyền thống của tổ tiên gia tộc mình. Điều này thể hiện trong phả hệ, những người cùng một tổ, một chi thường mang một họ, tên đệm giống nhau với ý nghĩa mang tính kế thừa đặc trưng của mỗi chi, mỗi họ như Mai Văn, Nguyễn Hữu, Vũ Khắc, Lê Đình...

- Tên được đặt trên cơ sở tôn trọng cha ông của mình, như tên kỵ đặt trùng với tên Ông, Bà, Cô, Dì, Chú, Bác... Điều này rất quan trọng trong văn hóa truyền thống uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam ta.

- Tên phải có ý nghĩa cao đẹp, gợi lên một ý chí, một biểu tượng, một khát vọng và một tính chất tốt đẹp trong đời sống. Như cha mẹ đặt tên con là Thành Đạt với hy vọng người con lớn lên sẽ thành đạt và làm nên sự nghiệp, hay đặt tên con là Trung Hiếu hy vọng người con giữ trọn đạo hiếu với gia đình và trung thành với Tổ quốc.

- Bản thân tên phải có ý nghĩa tốt lành, đã được đúc kết và nghiệm lý theo thời gian như tên Bảo, An, Minh, Hòa ...

- Tên bao gồm 3 phần là họ, đệm và tên. Ba phần này trong tên đại diện cho tam tài Thiên- Địa- Nhân tương hợp. Phần họ đại diện cho Thiên, tức yếu tố gốc rễ truyền thừa từ dòng họ. Phần đệm đại diện cho Địa, tức yếu tố hậu thiên hỗ trợ cho bản mệnh. Phần tên đại diện cho Nhân tức là yếu tố của chính bản thân cá nhân đó. Thiên - Địa - Nhân phối hợp phải nằm trong thế tương sinh. Mỗi phần mang một ngũ hành khác nhau, việc phối hợp phải tạo thành thế tương sinh, kỵ tương khắc. Ví dụ như Thiên = Mộc, Địa = Hỏa, Nhân = Thổ tạo thành thế Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim là rất tốt. Nếu Thiên = Mộc, Địa = Thổ, Nhân = Thủy tạo thành thế tương khắc là rất xấu. Yếu tố này cũng có thể nói gọn là tên phải cân bằng về ngũ hành.

         Yếu tố rất quan trọng của tên ngoài việc cân bằng về Ngũ Hành, Âm Dương còn phải đảm bảo yếu tố hỗ trợ cho bản mệnh. Ví dụ như bản mệnh trong tứ trụ thiếu hành Thủy thì tên phải thuộc Thủy để bổ trợ cho mệnh, vì thế tên phải đặt là Thủy, Sương ...

Sachphapluat.net