Lịch Sử Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Huyền ThoạiĐường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là một hệ thống giao thông, liên lạc, đường ống xăng dầu trải hàng ngàn km từ Nghệ An đến Bình Phước. Di tích lịch sử Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh bao gồm 37 điểm tiêu biểu của Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, nằm trên địa bàn 11 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Bình Phước.
Tháng 1 năm 1959, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (khóa II) mở rộng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, họp tại Hà Nội, xác định: Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam, phương pháp cách mạng và phương thức đấu tranh là dùng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đánh đổ quyền thống trị của đế quốc, phong kiến, trước mắt là đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ, thiết lập chính quyền cách mạng. 
Thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng và Nghị quyết của Tổng Quân ủy Trung ương, cùng với việc đẩy mạnh xây dựng quân đội cách mạng chính quy, từng bước hiện đại trên miền Bắc, Bác Hồ, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở tuyến đường chiến lược vận tải quân sự từ miền Bắc xuyên qua dãy núi Trường Sơn trùng điệp và hùng vĩ để chi viện binh lực cho cách mạng miền Nam. 

Lịch Sử Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Huyền Thoại

Lịch Sử Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Huyền Thoại

Ngày 5/5/1959, Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Uỷ ban thống nhất Trung ương, thừa lệnh Bộ Chính Trị trực tiếp giao cho Thượng tá Võ Bẩm, nguyên Cục trưởng Cục Nông trường tổ chức Đoàn công tác quân sự đặc biệt làm nhiệm vụ mở đường, vận chuyển hàng quân sự vào chiến trường, tổ chức đưa đón bộ đội, cán bộ, chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc. 
Ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng Quân uỷ triệu tập Ban cán sự, chính thức giao nhiệm vụ cho Đoàn mở đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam, vận chuyển gấp một số hàng quân sự theo yêu cầu của Liên khu 5, tổ chức đảm bảo cho 500 cán bộ hành quân vào chiến trường làm nòng cốt xây dựng lực lượng chủ lực. Với chiến lược bí mật, chủ động tiến công, Bộ Chính trị, Tổng Quân uỷ yêu cầu Đoàn tuyệt đối giữ bí mật, không để đối phương biết được sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam, dù chỉ là một hoạt động nhỏ lẻ, đây là vấn đề có tính nguyên tắc. 
Ra đời tháng 5 năm 1959, Đoàn được mang phiên hiệu Đoàn 559; ngày 19/5/1959 là ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày Bộ Chính trị và Thường trực Tổng Quân uỷ giao nhiệm vụ mở đường chiến lược Trường Sơn, được xác định là ngày truyền thống của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. 
Mùa hạ năm 1959, từ Khe Hó, phía Tây Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, Tiểu đoàn 301 - đơn vị đầu tiên của Bộ đội Trường Sơn, bí mật xuất quân, mở đường giao liên vận tải. "Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng" là kỷ luật nghiêm ngặt của những đơn vị vận tải ngày đầu thành lập. Tiểu đoàn đã vượt đường số 9 trong điều kiện địch ngày đêm kiểm soát gắt gao để ngày 13/8/1959, giao chuyến hàng đầu tiên cho Liên khu 5. 
Trong khi tuyến giao liên vận tải quân sự từ miền Bắc dọc theo dãy Trường Sơn tiến dần vào phía Nam, thì ở các tỉnh Trung Bộ, như Hà Tĩnh, Quảng Trị..., các con đường giao liên được mở tiếp vào các khu căn cứ; từ miền Đông Nam Bộ, các đội vũ trang tuyên truyền cũng tiến hành soi đường ra Bắc. 
Thiết lập được tuyến hành lang giao liên từ Trung Bộ vào miền Đông Nam Bộ, tuyến giao liên vận tải quân sự Trường Sơn thật sự trở thành cầu nối giữa căn cứ địa miền Bắc với miền Nam. 

Lịch Sử Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Huyền Thoại

Lịch Sử Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Huyền Thoại

Tròn 18 tháng, Đoàn vận tải quân sự chiến lược 559 đã giành được những thắng lợi bước đầu quan trọng trên con đường chiến lược Bắc - Nam. Từ những bước lặng lẽ soi lối mở đường đầu tiên, những người lính Trường Sơn đã thiết lập được tuyến hành lang giao liên vận tải quân sự dài hàng trăm ki-lô-mét trong điều kiện địa hình bị chia cắt và kẻ thù ngăn chặn quyết liệt. Theo những con đường ấy, một lượng lớn vũ khí, khí tài được chuyển giao cho lực lượng vũ trang Liên khu 5 và Tây Nguyên, hơn 2 nghìn cán bộ, chiến sỹ đã được đảm bảo hành quân vào các chiến trường. 
Từ năm 1960, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược "Chiến tranh đặc biệt". Đường vận tải phía Đông Trường Sơn (Việt Nam) bị địch đánh phá ác liệt. Được sự đồng ý của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, từ năm 1961, Đoàn 559 đã chuyển hướng mở đường vận chuyển sang phía Tây Trường Sơn (Lào). Cùng với cán bộ, chiến sỹ ta, nhân dân các bộ tộc Lào đã góp công, góp của để mở đường, nhiều bản làng tự động dời nhà, bỏ nương rẫy để tuyến đường mới đảm bảo được yêu cầu gần nhất, dễ đi nhất. 
Với việc thực hiện tốt chủ trương mở thêm và xây dựng đường mới ở phía Tây Trường Sơn (Lào) và củng cố đường cũ ở phía Đông Trường Sơn, ta đã phá được thế độc tuyến; đặc biệt từ đường gùi cõng hàng, tiến tới mở đường dùng cho phương tiện thô sơ và bước đầu làm đường cho cơ giới hoạt động. 
Bằng các phương thức mang vác, gùi thồ, bằng xe đạp, kể cả thồ bằng ngựa, bằng voi, chỉ trong 4 năm kể từ ngày thành lập, Đoàn 559 đã đưa được 4.400 tấn vũ khí, đạn dược và hơn 31.000 cán bộ chiến sỹ vào chiến trường, góp phần đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ. 
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng Dồn sức cho miền Nam, chuẩn bị phát triển phương thức vận tải cơ giới, ngày 17/6/1964, Trung đoàn 98 công binh, thuộc Đoàn 559 nhận lá cờ mang 4 chữ: "Mở đường thống nhất" hành quân đi mở đường cơ giới ở Trường Sơn. Ngày 9/8/1964, Trung đoàn 98 chính thức bổ nhát cuốc đầu tiên xây dựng tuyến đường từ sông Sê Pôn đi sông Bạc. Từ đó, các tuyến đường càng vươn xa, những đoàn xe càng lớn mạnh, thì sự đánh phá ngăn chặn của không lực Hoa Kỳ càng khốc liệt. Cuộc chiến đấu của Bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến mỗi ngày một cam go. 
Năm 1965, Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam thực hiện chiến lược Chiến tranh cục bộ. Dựa vào Mỹ, Ngụy quân, Ngụy quyền Sài Gòn cũng dốc sức mở rộng chiến tranh. Đồng thời, đế quốc Mỹ dùng không quân đánh phá ác liệt miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện từ xa cho chiến trường và phá hủy đường Hồ Chí Minh. 

Lịch Sử Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Huyền Thoại

Lịch Sử Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Huyền Thoại

Nhằm kịp thời đối phó với chiến tranh ngăn chặn bằng không quân của Mỹ, bảo vệ hành lang tuyến vận tải chi viện và lực lượng vận tải cơ giới trên đường Trường Sơn, các đơn vị phòng không Trường Sơn đã chiến đấu dũng cảm, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Trong trận chiến đấu bảo vệ trọng điểm Lằng Khằng - miền Tây Quảng Bình, xuất hiện gương chiến đấu vô cùng dũng cảm của anh hùng liệt sỹ Nguyễn Viết Xuân. Lời hô: "Nhằm thẳng quân thù mà bắn" của anh đã trở thành tư tưởng chỉ đạo, khẩu lệnh chiến đấu của lực lượng pháo phòng không Việt Nam trong những năm đánh Mỹ. 
Để tăng nhanh lượng hàng chi viện cho chiến trường, đảm bảo cho lực lượng vũ trang chiến đấu với lực lượng lớn quân Mỹ và chư hầu, Bộ đội Trường Sơn đã thực hành vận chuyển bằng phương thức cơ giới là chủ yếu, tiếp tục mở đường vòng tránh, tăng cường đánh trả máy bay địch. Vì vậy, tuyến đường vận tải vẫn thông suốt. Dòng người, dòng xe vẫn không ngừng tiến ra mặt trận.