Án oan sai trong tố tụng hình sự, do nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan dẫn đến những vụ án oan không chỉ gây đau thương cho một gia đình mà hậu quả của nó còn sâu xa hơn nhiều. Đó là niềm tin vào công lý sẽ giảm dần, kéo theo đó là nỗi lo sợ của người dân. Nỗi lo thường trực ám ảnh “bỗng dưng bị mang cái vạ tầy đình” rồi bị đánh đập, đe dọa, bị ép cung, bắt đóng phim làm tang chứng, sau đó là ngồi tù, bồi thường, bản thân và gia đình chịu sự miệt thị của xã hội... Có những vụ án oan được phanh phui gây chấn động dư luận làm cả xã hội giật mình vì hậu quả quá lớn nó để lại như vụ án “Nguyễn Thanh Chấn” bị ngồi tù oan trong suốt 10 năm, được dư luận đặc biệt quan tâm bởi chặng đường đi tìm lại tự do của gia đình Ông Nguyễn Thanh Chấn trong suốt 10 năm qua vẫn không có kết quả, ngày 25/10/2013 Lý Nguyễn Chung tự ra đầu thú nhận tội chính Chung mới là hung thủ giết chết Bà Nguyễn Thị Hoan tối ngày 15/08/2003 tại Xã Nghĩa Trung, Huyện Việt Yên, Tỉnh Bắc Giang thì Ông Chấn mới được công nhận vô tội, hủy bỏ thân phận của người mang tội giết người. Tháng 04/2015 Tòa phúc thẩm – Tòa Án Nhân Dân Tối Cao đã tổ chức xin lỗi công khai ông Nguyễn Thanh Chấn tại địa phương. Về phần Ông Chấn, sau khi được minh oan, gia đình và người thân bắt đầu hành trình đòi bồi thường án oan sai, gia đình Ông Chấn đưa ra mức yêu cầu đòi bồi thường 9,3 tỷ đồng, còn cơ quan tố tụng dựa trên một số quy định đưa ra mức bồi thương gần 600 triệu đồng, tuy nhiên gia đình Ông Chấn cho rằng mức bồi thường đó không còn phù hợp với thực tế cuộc sống hiện nay, cuối cùng cơ quan tố tụng và gia đình Ông Chấn đã thống nhất với mức bồi thường là 7,2 tỷ đồng.
Trong vụ án này, nếu như Lý Nguyễn Chung không ra đầu thú nhận tội, thì chắc rằng vụ án này cũng giống như những vụ án khác, được chúng ta quan tâm và ghi nhận những thành tích phá án của các Cơ quan Cảnh sát điều tra & Cơ quan Tố tụng. Vậy thì trong vụ án này, án oan sai giờ đã rõ nhưng không có Cơ quan, Tổ chức hay cá nhân nào chịu trách nhiệm, số tiền 7,2 tỷ đồng này bồi thường cho Ông Chấn là hoàn toàn hợp lý, nhưng sơ tiền đó lấy từ đâu ra mới là vấn đề khiến chúng ta phải bàn luận.
Hậu quả án oan sai là vậy nhưng việc giải quyết oan sai sẽ dây dưa, kéo dài nếu không phân định được trách nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như trách nhiệm của cơ quan tố tụng với trách nhiệm cá nhân,tổ chức gây ra oan sai. Ngoài ra cơ sở pháp lý cho việc bồi thường thiệt hại do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra còn thiếu những quy định cụ thể, gây khó khăn cho việc giải quyết “hậu oan sai” dẫn đến làm hoang mang dư luận.
Vì vậy để giảm thiểu và khắc phục được án oan sai trong tố tụng hình sự một cách có hệ thống, có lẽ chúng ta cần phải nghiên cứu và phải tìm ra câu trả lời cho nhiều vấn đề như: “án oan sai nguyên nhân do đâu?, cách phòng chống như thế nào?, ai phải bồi thường thiệt hại?, trách nhiệm bồi thường được xác định trên cơ sở pháp lý nào?, và việc bồi thường được giải quyết ra sao?”…
Viết bình luận: