Do tính cách và phương pháp làm việc của mỗi người khác nhau nên sẽ sinh ra nhiều kiểu quản lý khác nhau. Làm thế nào để biết mình thuộc típ lãnh đạo nào? Bạn có đánh giá đúng về khả năng lãnh đạo và quản lý của mình chưa? Những lời nhận xét về quản lý của mỗi người là khác nhau, làm sao có thể lý giải đúng những lời nhận xét đó? Hãy tìm hiểu 8 kiểu quản lý phổ biến sau đây để hiểu rõ hơn vấn đề.

1. Người dẫn dắt

Người quản lý kiểu dẫn dắt thường khó tính, quyết đoán, độc đoán, thiếu kiên nhẫn và luôn tiến lên phía trước để đấu tranh nhằm đạt được mục đích của mình. Mỗi khi giải quyết vấn đề, họ ngoan cố và gay gắt, rất hay phê phán và tìm lỗi nếu các tiêu chí và đòi hỏi của mình không được tôn trọng. Do cứ thích vơ tất cả vào mình, muốn được tự kiểm tra, giám sát và nắm rõ mọi thứ nên họ ít nhận được sự cảm thông của những người xung quanh.

Người quản lý kiểu dẫn dắt rất thích vai trò lãnh đạo hiện có của mình, đối với họ, quyền lực và quyền hạn là vô cùng quan trọng.

Điều cần thay đổi: Kiên nhẫn hơn, lo lắng cho người khác nhiều hơn, nhún nhường và chấp nhận rằng mình có thể mắc sai lầm.

2. Người phát động

Người quản lý kiểu phát động thuộc típ người giao tiếp tốt và luôn tự khẳng định mình trong công việc. Họ không thích loại công việc tỉ mẩn nhưng vẫn có thể giải quyết được các công việc đó vì một mục đích cụ thể. Theo họ, việc tiếp xúc và tôn trọng người khác là rất quan trọng. Do đó, trước khi ra một quyết định nào đó không hợp lòng người, họ cân nhắc rất kỹ đến cảm nhận của người khác và thường ra những quyết định đúng đắn. Một số người coi họ là những nhân vật năng động, nhiệt tình, một số khác lại xem họ là những kẻ vô ý và bốc đồng.

Những hoạt động đa dạng và cơ hội làm việc trong một môi trường tình cảm là điều rất cần thiết đối với kiểu người này. Bởi họ thích một công việc đòi hỏi sự linh hoạt, tạo ra cơ hội đi đây đi đó. Thách thức và cơ hội là những yếu tố quan trọng cho sự thành công của họ.

Điều cần thay đổi: Kiểm soát, định hướng và hiểu rõ hơn các thủ tục cần thiết trong công việc; làm giảm nhịp độ của mình xuống để xử lý công việc tốt hơn.

 

 

3. Người khởi xướng

Những người khởi xướng thường cởi mở và dễ gần. Họ sở hữu một hệ thống mối quan hệ rộng rãi, hỗ trợ tích cực cho công việc của chính mình. Trong cuộc sống, họ dễ dàng kết bạn và hiếm khi đối kháng với người khác một cách có chủ ý. Là người khéo ăn khéo nói, họ giỏi bộc lộ những ý nghĩ của mình và tạo ra sự hăng say ở người khác.

Tuy nhiên, những người này thường không đánh giá đúng về khả năng của mình cũng như của người khác. Bình thường, nếu không bị chọc tức, họ là người lạc quan, thậm chí lạc quan đến mức không tưởng, chỉ nhìn thấy những khía cạnh tốt của con người và hoàn cảnh. Họ thường chuyển sang những kết luận tán thành dù không có đầy đủ thông tin. Vì thế, dưới con mắt của người khác, họ là người không chắc chắn. Khó khăn lớn nhất họ có thể gặp phải là việc quản lý và hoạch định thời gian của mình, nhất là việc phải nhớ sự cấp bách của công việc phải làm, hạn chế việc nói quá nhiều nếu thấy không cần thiết.

Điều cần thay đổi: Kiểm soát tốt hơn thời gian, cảm xúc, mục tiêu của mình và giữ lời hứa.

4. Người khuyến khích

Nồng nhiệt, cảm thông và dễ gần là những tính cách thường thấy ở người quản lý kiểu khuyến khích. Họ luôn làm hết khả năng của mình để có được những mối quan hệ tích cực với mọi người, đồng thời mong muốn hợp tác với người khác để hoàn thành nhiệm vụ (khả năng làm việc theo nhóm tốt).

Tuy nhiên, họ có thể chỉ trích người khác theo cảm nhận cá nhân và gặp khó khăn khi muốn áp đặt quyền lực lên người khác lúc cần thiết. Việc bị buộc phải ra những quyết định mà không phải tham khảo ý kiến cũng là áp lực đối với họ. Thực chất, những người này có xu hướng ổn định và điều đó khiến họ khá chậm chạp.

Dạng người khuyến khích luôn cổ vũ người khác, không thích stress hay những tình huống diễn biến quá nhanh, có nhiều biến đổi ngoài dự kiến. Họ thích môi trường an toàn để có thể tổ chức công việc theo nhịp độ riêng của mình. Nhờ biết lắng nghe và gợi ý những cách giải quyết nên người khuyến khích thường được mọi người tìm đến hỏi ý kiến và chấp nhận một cách tích cực.

Điều cần thay đổi: Học cách thu phục nhân tâm, phải quyết đoán và lý trí hơn.

5. Người ủng hộ

Đây là kiểu người nhã nhặn, dễ thương và biết cảm thông với người khác. Họ luôn sẵn sàng nghe theo và giúp đỡ những người họ xem là bạn. Khi phải hoạch định công việc và chứng minh tính kiên trì trong quá trình thực hiện, những người này luôn rất hiệu quả. Tuy nhiên, do luôn mong chờ sự đánh giá của người khác và thích nghi chậm với những biến đổi, họ cần chuẩn bị trước cho sự thay đổi để tiếp tục duy trì hiệu suất làm việc ổn định. Sự giúp đỡ loại bỏ “cái cũ” để thay “cái mới”, thu gọn công việc để hoàn thành đúng hẹn luôn cần thiết đối với kiểu người này. Họ có thể trở nên cứng đầu và khiêu khích nếu phải chịu áp lực, điều này khiến một số nhân viên phải thất vọng.

Điều cần thay đổi: Tự tin hơn, quyết đoán hơn và đổi mới hơn.

6. Người cộng tác

Người cộng tác là những người thận trọng, ân cần và câu nệ lễ nghi, xử sự khôn khéo và chân thành, chính xác và có kỷ luật, có những hoài vọng và lý tưởng rất cao. Chừng nào chưa có đủ trong tay các dữ liệu và chi tiết cần thiết thì họ ra quyết định rất khó khăn.

Tuy hay phê phán người khác nhưng khi đứng giữa người lạ, họ sẽ im lặng và dè dặt. Không phải lúc nào họ cũng nói ra những điều mình nghĩ, mình cảm thấy. Họ muốn được coi là quan trọng trong một môi trường an toàn. Họ khéo léo và có phương pháp, không ngại làm việc nhiều nhưng đôi khi họ cần những chỉ dẫn cụ thể trước khi bắt tay vào việc.

Họ không thích stress hay sự lộn xộn và thích tập hợp quanh mình những người có điểm tương đồng. Tìm kiếm các hệ thống và trật tự là điều họ muốn làm để hiểu tại sao mọi việc lại như thế. Họ không tin tưởng người khác ngay trong lần đầu tiên và nói chung, không áp đặt quan điểm lên người khác. Họ hoàn thành tốt các công việc đã trở thành thói quen nhờ vào lòng kiên nhẫn và tính chăm chỉ. Mặc dù là người cứng nhắc và trung thành nhưng chỉ cần có cảm giác bị người khác lợi dụng, thái độ của họ sẽ khác hẳn.

Điều cần thay đổi: Phải có lòng tin, nhiệt tình hơn, dễ chấp nhận những thay đổi và đổi mới.

7. Người đánh giá

Người quản lý kiểu đánh giá rất thận trọng, kỷ luật, chăm chỉ và có ý thức trong những công việc đòi hỏi sự chú ý và chính xác. Họ rất có khả năng tiếp thu phê bình, coi trọng việc rút ra kết luận và luôn hành động dựa trên những dữ liệu thực tế. Họ là người suy nghĩ khách quan, có khả năng tổng hợp thông tin bằng trực giác cùng dữ kiện thu lượm được một cách hiệu quả nhất. Để tránh sự nhầm lẫn, họ thường chuẩn bị mọi việc thật tỉ mỉ và có xu hướng chọn những người giống mình, tức là những người làm việc hiệu quả trong một môi trường yên ổn.

Khi bày tỏ tình cảm, những người này trở nên ngập ngừng, lo lắng về câu trả lời “đúng” và có thể tránh phải ra quyết định. Họ thường ngại ngùng khi nhận ra sai lầm và sẵn sàng sa vào việc tìm kiếm bằng chứng có thể chứng minh cho sai lầm của mình. Họ có xu hướng không tin người lạ và hay lo lắng cho danh tiếng và công việc của mình. Do có thể nắm bắt được tình hình rất nhanh, biểu hiện bằng cả tri giác lẫn trực giác nên người đánh giá có thể bị xem là khó xúc động, lạnh lùng và vô cảm.

Điều cần thay đổi: Linh hoạt hơn, thấu hiểu mọi người và nhiệt tình hơn.

 

 

8. Người tổ chức

Sáng tạo, suy nghĩ trừu tượng là đặc điểm của những người quản lý kiểu tổ chức. Họ suy nghĩ rất nhanh và luôn khát khao khám phá mọi giải pháp có thể. Họ rất vất vả khi phải giữ thái độ và tinh thần tích cực. Điều đó làm cho hiệu quả công việc của họ không đều và việc ra quyết định không ổn định. Vì thế, họ cần có một người thân cận biết thông cảm, có thể trao đổi thẳng thắn và thoải mái.

Họ muốn tự do khai thác và đánh giá lại những khám phá của mình vì họ thích tự giải quyết các vấn đề. Họ sẽ nổi cáu khi nhầm lẫn và tiếp tục “soi” một ý kiến phản hồi rất lâu sau khi đã ra quyết định. Một số người có thể cho họ là lạnh lùng và dè dặt. Họ có thể trở nên độc đoán khi công sức vất vả của họ không được công nhận. Đôi khi họ trở nên thô lỗ và cho mình là trung tâm nên có thể bị một số người coi là cao ngạo. Họ rất dễ dàng phản ứng với mọi việc, dù chỉ là một cú sốc nhỏ ngẫu nhiên.

Điều cần thay đổi: Độ lượng hơn và hiểu cách làm việc của người khác hơn.

Ngoài 8 kiểu quản lý phổ biến trên, trong cuốn Principles of Small Business, các tác giả Colin Barrow, Robert Brown và Andrew Myers còn đưa ra nhiều kiểu quản lý khác. Điều này phản ảnh sự đa dạng về tính cách và phương pháp làm việc của con người. Người thành công không phải là chỉ biết phát huy điểm mạnh của mình mà còn phải biết phát huy điểm mạnh của người khác. Ngoài ra, khi nhận biết đặc điểm nổi bật của đối tác, cấp trên, nhân viên, khách hàng... họ sẽ nhanh chóng tìm ra điểm chung và đi đến những thỏa thuận thành công.