Trong suốt chặng đường hơn 100 năm hoạt động của mình, IBM đã gặp rất nhiều khó khăn thử thách nhưng công ty này vẫn chiếm một vị trí vững chắc trên thị trường công nghệ. IBM hiện là công ty tin học lớn nhất thế giới với hơn 350.000 nhân viên ở nhiều quốc gia. Những bài học thành công và thất bại của tập đoàn này là kinh nghiệm đáng học hỏi cho nhiều doanh nghiệp.

Đầu những năm 90, tập đoàn IBM rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng trong tình trạng cạn tiền. Mô hình điện toán mới, máy chủ mainframe System/360 của công ty đã phải cạnh tranh khốc liệt với công nghệ máy tính cá nhân giá rẻ.

Khi đó, ban lãnh đạo mới đã được lập ra và hàng nghìn công nhân bị sa thải.“IBM đã phải đối mặt với những thử thách mà tất cả các công ty lớn sớm muộn cũng phải gặp - họ thống trị thị trường, rồi thất bại và rồi lại tự vực dậy hoặc không”, ông George F. Colony, Giám đốc điều hành của Forrester Research nói.

Phát triển dựa trên những thành công quá khứ là một nhiệm vụ khó khăn đối với các công ty trong tất cả các ngành công nghiệp. Nhưng nhiệm vụ này còn khó khăn hơn trong lĩnh vực công nghệ, nơi mà các công ty có thể nhanh chóng thống trị một thị trường nào đó, như những nhà vô địch, cho đến khi thế giới công nghệ mở rộng cửa chào đón những công nghệ mới, những phát minh mới.

Đây cũng là thử thách mà Google và Apple phải đối mặt hiện nay. Nếu hai tập đoàn này muốn thịnh vượng lâu dài, thì cần phải phát triển hơn nữa, vượt trên cả những mô hình kinh doanh đang chiếm ưu thế hiện nay của mình.

Theo các chuyên gia, bài học từ kinh nghiệm về vấn đề này của IBM chính là: Đừng lãng quên quá khứ mà hãy vươn lên từ nó. Họ cho rằng những nền tảng cốt yếu là trình độ, mô hình công nghệ và khả năng marketing. Đó là những giá trị cốt lõi của công ty, đáng giá hơn bất kỳ sản phẩm hay dịch vụ cụ thể nào.

Trong trường hợp của IBM, những giá trị cốt lõi bao gồm “Sự cống hiến vì lợi ích của khách hàng” và “Cách tân những thứ đã lỗi thời”.

Dù từng kinh doanh phát đạt dựa trên mô hình máy tính chủ mainframe, nhưng IBM vẫn tự chuyển đổi để trở thành nhà cung cấp có thể quản lý và kết hợp những công nghệ đa dạng trong. Hệ thống máy tính chủ vẫn có vai trò quan trọng đối với IBM. 16 năm trước, công ty chi 5 tỷ USD cho công trình nghiên cứu máy chủ để có thể chạy được các phần mềm khác nhau và tích hợp các bộ xử lý mới nhất.

Nhưng hiện nay, chính những công nghệ liên quan đến máy chủ mới thực sự đem lại lợi nhuận cho IBM. Riêng phần cứng máy chủ chiếm gần 4% doanh thu của công ty. Khi có thêm các hợp đồng phần mềm, bộ lưu trữ dữ liệu và dịch vụ liên quan tới máy chủ, con số này đã lên tới 25% - bằng với 45% lợi nhuận hoạt động của công ty, theo ông A. M. Sacconaghi, nhà phân tích thuộc Sanford C. Bernstein & Company.

IBM cũng đã đổi hướng nghiên cứu của mình, tập trung vào dịch vụ và phần mềm, đào tạo lại hàng nghìn công nhân, và tiến hành nhiều thương vụ mua lại các công ty khác. Đối với các hợp đồng dịch vụ lớn và phức tạp, từ các dự án lưới điện thông minh cho các dịch vụ công cộng cho đến các hệ thống điều khiển giao thông cho các thành phố, IBM đã hoạt động dưới hình thức là một nhà tổng thầu công nghệ cao có chuyên môn trong nghiên cứu, phần mềm, phần cứng và dịch vụ.

Đối với những công ty lớn hiện nay, kinh nghiệm của IBM cũng là những bài học cảnh giác: Nguy hiểm của sự trì hoãn.

 

 

Ông Yoffie thuộc Đại học Kinh doanh Harvard nhớ lại hồi năm 1990, khi ông hoàn thành công trình nghiên cứu về IBM. Nghiên cứu của ông gồm có những cuộc phỏng vấn riêng với những người đứng đầu công ty. Họ cho rằng IBM cần thoát khỏi cái bóng máy tính chủ (mainframe) để chuyển sang phần mềm và dịch vụ.

Nhưng ông cũng cho biết rằng IBM đã không theo đuổi chiến lược đó cho đến khi công ty rơi vào khủng hoảng trầm trọng và một người ngoài công ty, ông Louis V. Gerstner Jr. đã trở thành lãnh đạo của công ty vào năm 1993 và thay đổi. Ông Yoffie cho biết: “Thật sự rất khó để một công ty chuyển đổi kinh doanh khi nó vẫn đang hoạt động tốt và không phải đối mặt với khủng hoảng”.