Trong quá trình nuôi dạy con, nhiều cha mẹ thường chỉ tập trung giáo dục phương pháp làm sao để giành chiến thắng và có điểm số cao mà quên dạy trẻ cách đối diện với khó khăn, thất bại trong cuộc sống. Do đó, khi gặp phải những tình huống khó khăn hay thất bại trong học hành, tình cảm, đứa trẻ gần như mất phương hướng, thậm chí có thể hành động dại dột hủy hoại bản thân chỉ vì không chịu nổi áp lực.

Phản ứng của cha mẹ trong mỗi tình huống sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thái độ ứng xử của con trẻ trong hoàn cảnh tương tự. Để giúp con vượt qua những áp lực, thất bại trong cuộc sống, có một số gợi ý với phụ huynh như sau:

- Các dấu hiệu nhận biết trẻ đang bị áp lực: Hàm răng nghiến chặt, cơ thể căng thẳng mất tập trung, nhịp thở tăng, trẻ bồn chồn, dễ nổi nóng, khó kìm chế,... Nếu đã nhận ra những biểu hiện đó, hãy giúp loại bỏ chúng khỏi con bạn. Hãy hợp tác cùng con để giải quyết vấn đề. Hãy nhớ rằng thất bại sẽ là bài học rất tốt cho trẻ nếu như bố mẹ biết cách xử lý.

Bước 1. Hãy giúp trẻ rút kinh nghiệm

Hãy dành lời khen cho con nếu bạn biết rằng nó đã hết sức cố gắng, ngay cả khi nó không thành công như bạn mong đợi, đừng quá thất vọng và đổ lỗi cho người khác. Hãy cùng trẻ tìm ra những gì khiến nó dù hết sức cố gắng nhưng vẫn chưa thành công.

- Đừng trách mắng khi con thất bại vì chính các em đang đau khổ lắm rồi. Thay vào đó, hãy tìm cách an ủi và giúp con nhận ra sai lầm của mình. Khi trẻ gặp thất bại, sự động viên của bạn là rất cần thiết.

Bước 2. Biết động viên con

Những điểm số hiện tại không phải là thước đo sức học tập của con, vị trí thứ hai không có nghĩa là con không giỏi. Ngày hôm qua con đã bệnh nặng, con sốt, nhưng con đã hết sức cố gắng và điều đó với mẹ mới là quan trọng nhất. Những lời như thế của bạn sẽ có tác dụng khích lệ con trẻ.

Bạn hãy đưa con đi tìm những cách để giảm căng thẳng, áp lực như đi chơi núi, học bơi, thể thao...

Hãy nói cho con hiểu rằng ai cũng rất mệt khi leo núi, đến lưng chừng đã muốn nghỉ và đi xuống. Nhưng quang cảnh nhìn từ trên núi xuống là phần thưởng chỉ dành cho những người đã leo đến đích. Từ đó hãy cổ vũ, khuyến khích trẻ leo núi và tận hưởng cảm giác chiến thắng.

Bước 3. Đừng mang những mơ ước của mình áp đặt lên con trẻ

Bạn rất mong con thành công trong môn toán. Bạn nghĩ chỉ có giỏi toán mới được gọi là học sinh giỏi. Thế nhưng con bạn lại thích học… sinh vật. Với bạn điều ấy thật là vớ vẩn. Và vì thế, khi điểm toán của con chỉ trung bình, trong khi điểm sinh vật của nó tuyệt đối, nó được chọn vào đội đi thi học sinh giỏi môn sinh vật, bạn cũng chẳng thèm để ý, chẳng thèm khen ngợi, chẳng thèm chia sẻ niềm vui với con!

Con bạn sẽ có con đường thành công riêng phù hợp với chúng. Và nhiệm vụ của bạn là khích lệ chúng làm bất cứ điều gì mà chúng mong ước và có thể đặt hết tình cảm, nhiệt huyết của mình vào, chứ không phải bị lôi cổ theo những lối đi mà bạn chọn.

Bước 4. Thiết lập giới hạn khi còn nhỏ, không nên áp dụng hình phạt thể chất

Thiết lập giới hạn khi còn nhỏ: Nếu bạn quá nuông chiều con trong những năm đầu đời thì sau này bé sẽ đòi bạn đáp ứng tất cả nhu cầu cao hơn. Nếu bạn từ chối yêu cầu, bé sẽ nổi giận, nhưng bạn cần phải nói "Không" với con trong những trường hợp nhất định, để bé biết rõ ràng về các giới hạn. Khi bé hiểu được những giới hạn, việc chấp nhận thất bại với bé cũng sẽ dễ dàng hơn.

Không nên áp dụng hình phạt thể chất. Một hình phạt tốt sẽ giúp cho sự phát triển của trẻ, bạn có thể sử dụng những cách khác nhau thay vì đánh, mắng trẻ. Hãy nhớ rằng cách bạn cư xử với con khi đang tức giận sẽ đặt nền móng cho sự tức giận của bé sau này.

Bước 5. Nếu bạn bình tĩnh, con bạn sẽ bình tĩnh

Khi trẻ nổi nóng hay rủ rũ, bạn rất lo lắng. Nhưng có những người thật sai lầm khi họ cũng nổi nóng hay ủ rũ theo. Hãy dạy con cách kiềm chế cảm xúc của mình bằng cách làm gương cho con. Hãy ngồi xuống, trò chuyện với con một cách ôn tồn và lắng nghe con khóc, rên rỉ, than thở một cách điềm tĩnh. Con bạn sẽ học theo gương của bạn ngay lập tức khi nó hiểu rằng chưa có gì là ghê gớm xảy ra và không có gì là không thể cứu vãn.

Bước 6. Hãy thể hiện cho con thấy bạn quan tâm và yêu con!

Dù con thành công hay thất bại, bạn vẫn yêu nó hơn tất cả chứ không phải là những điểm số hay chiến thắng.

Bạn yêu con vì chính con, chứ không phải vì con là một cậu bé tuyệt vời, hơn hẳn những cậu bé khác. Điều đó sẽ giúp trẻ an tâm và tin tưởng vào chính mình hơn! Hãy tâm sự và gần gũi con như những người bạn.

Tâm sự: Khi cha mẹ tạo một mối quan hệ thân tình với con cái như bạn bè, trẻ sẽ tin tưởng thổ lộ những vui buồn của chúng để cha mẹ có lời khuyên kịp thời với những bức xúc chúng gặp trong đời.

Gần gũi: Một trong những sai lầm lớn nhất cha mẹ mắc phải là tự tách mình ra khỏi con cái khi chúng đang lớn lên. Nếu biết quan tâm đến những gì bé đang làm, bạn có thể giúp làm dịu cơn giận của con. Hầu hết đứa trẻ tức giận hoặc cư xử không thích hợp thường ít được bố mẹ chú ý. Đừng khó chịu nếu con bạn muốn cùng bạn tham gia một số hoạt động, hãy xem đây là cơ hội vàng để gắn bó với chúng.

Bước 7. Tham khảo cách cha mẹ an ủi con khi gặp thất bại

Cha mẹ cũng từng thất bại rất nhiều con ạ! Bạn rất ngại nói về điều này vị sợ trẻ sẽ xem thường mình, nhưng trên thực tế, trẻ con lại tỏ ra thích thú với những trải nghiệm của cha mẹ. Đó có thể là kỷ niệm lúc bằng tuổi con, bậc cha mẹ cũng bị điểm 4 môn Toán chỉ vì làm bài cẩu thả hoặc cha mẹ đã từng thi rớt đại học… Bạn hãy để trẻ nhận ra rằng thất bại là chuyện bình thường của cuộc sống, quan trọng là cách chúng ta đối mặt với chúng như thế nào. Thay vì lên một hình ảnh hoàn hảo về bản thân, bắt con phải noi gương theo thì những câu chuyện thực tế của ba mẹ sẽ giúp trẻ có thêm can đảm và mạnh mẽ.

Mọi việc sẽ ổn thôi! Suốt quá trình phát triển của đời người, chúng ta sẽ liên tiếp phải đối mặt với rất nhiều thất bại. Bạn hãy hướng con đến những cái nhìn tích cực hơn của thất bại. Những thất bại này của con chỉ là những thất bại ban đầu và con cần phải tập dượt để vượt qua nó. Đó là một quá trình tập dượt toàn diện, kể cả cảm xúc, tâm lý, tinh thần, khả năng chịu đựng và cả cách đối diện, đứng lên sau vấp ngã.

Thất bại không quá tồi tệ, bởi khi chúng ta thành công, nhìn lại, ta sẽ phải cảm ơn những thất bại đã qua. Điều quan trọng là sau mỗi lần thất bại, chúng ta phải biết học hỏi, rút kinh nghiệm, để những lần sau ta không lặp lại những sai lầm, và đó là tiền đề để những bước đi sau của ta vững chắc hơn. Có như vậy thất bại ấy mới ý nghĩa.

Chỉ có những lời động viên đúng mực, thấu đáo của ba mẹ mới là “liều thuốc tinh thần” hữu hiệu giúp trẻ lấy lại cân bằng. Bạn có thể trấn an con bằng những lời khích lệ như: “Lần sau con chỉ cần cố gắng chút nữa là được”, “Mọi việc sẽ ổn thôi con ạ”.