CHO VÀ NHẬN ĐỂ KẾT NỐI YÊU THƯƠNG
Trong các trường hợp giúp đỡ người bất hạnh như người nghèo, người bệnh tật, người cô đơn, người già yếu hay người hoạn nạn, ta có thể gọi là cho, tặng hay biếu, nhưng cho với lòng tôn kính. Người biết cho đi là người khôn hay là người có tấm lòng rộng mở, nên không thể làm ngơ trước những hoàn cảnh thương tâm. Khi ta có cho ai đó cái người ta cần thì ta sẽ nhận được sự biết ơn, đó cũng chính là cho và nhận.
Chúng ta vẫn biết cách cho vẫn quan trọng hơn của cho, khi ta tự nguyện đáp ứng nhu cầu cần thiết cho người khác. Cho là một hành vi rất thông thường trong đời sống, nhưng xét cho kỹ ta phải cho như thế nào để được ích lợi cho cả hai, cho là một việc làm cần thiết để kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống. Vậy ta nên chọn cho mọi người cái cần câu hay con cá? Nếu cho con cá thì mọi người ăn hết sẽ bắt đầu xin tiếp, còn ta cho họ cái cần câu thì họ có thể tự kiếm sống được và sau này còn giúp được nhiều người khác nữa.
Thông thường chúng ta chỉ biết giúp đỡ cho người thân, rộng hơn nữa là cho hàng xóm khó khăn, ít ai mở lòng cho người ta đang ghét hay thù địch. Chính vì chúng ta không hiểu biết chân chính, không tin sâu nhân quả, không có tình người trong cuộc sống nên nếu có bố thí thì chỉ giới hạn trong phạm vi nào đó mà thôi.
Chúng ta cho với lòng tôn kính, quý trọng thì gọi là cúng dường, cho với lòng hảo tâm, thương cảm thì gọi là bố thí. Cha mẹ là hai đấng sinh thành mang nặng đẻ đau, làm lụng vất vả, nhọc nhằn nuôi ta khôn lớn, giúp ta ăn học thành tài, dựng vợ gả chồng, quan tâm lo lắng. Chính vì vậy ta phải có trách nhiệm và bổn phận chăm sóc khi cha mẹ già yếu, ốm đau, ta phải chu cấp và nuôi dưỡng đầy đủ gọi là cúng dường.
“Uống nước nhớ nguồn / Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là đạo lý chân thật trong tập quán của người Việt Nam. Đối với người thế gian ta còn tùy theo hoàn cảnh khó khăn mà giúp đỡ, chia sẻ, huống chi là cha mẹ của ta với công lao lớn hơn trời biển.
“Nước biển mênh mông không đong đầy lòng mẹ
Mây trời lòng lộng không phủ kín công cha”
Viết bình luận: