Mẹ có biết các thói quen ăn uống lịch sự là điều cơ bản nhưng lại có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách của bé không? Đây là một trong những bước giáo dục đầu tiên để giúp con hình thành những thói quen ăn uống tốt, khoa học mà cha mẹ không phải xấu hổ khi đưa con ra ngoài ăn cùng bạn bè và người thân. Mời các mẹ cùng tìm hiểu cách dạy bé thói quen tốt trong việc ăn uống sau đây.

1. Dạy trẻ cách mời

Mẹ luôn thắc mắc tại sao con vào ngồi ăn cơm mà không mời ai, cứ ăn xong rồi đứng dậy đi chơi. Nhưng mẹ đâu có để ý rằng, nếu muốn con biết cách mời ông bà, bố mẹ và các thành viên trong gia đình ăn cơm thì bố mẹ cần là tấm gương sáng cho con học tập theo. Đôi khi bố mẹ hay xấu hổ hay thấy việc mời con ăn cơm là điều không cần thiết, sai với văn hóa xã hội nhưng bố mẹ có biết rằng, trong bữa ăn, chính việc ba mẹ mời con cái ăn cơm lại là bài học hiệu quả nhất dạy con. Như một thói quen, bé sẽ mời lại bố mẹ khi bố mẹ mời con. Đến lúc này, mẹ hãy chỉ ra cho trẻ biết lý do tại sao trước khi ăn bé lại phải mời người lớn trước và mời tất cả mọi người. Đó là thể hiện tình cảm, sự mến yêu, tôn trọng của mọi người trong gia đình với nhau.

2. Dạy trẻ cách ăn

Khi bé đi ăn với bố mẹ ngoài nhà hàng. Nếu bố mẹ không dạy con cách ăn từng món ăn, hay cách cầm đũa, dùng thìa thì bé sẽ cảm thấy rất long ngóng khi sử dụng các đồ này. Thậm chí, nếu bé vụng về thì có thể bị làm rơi vãi thức ăn, hay nhịn đói không dám ăn vì sợ xấu hổ. Để tránh tình trạng này, mẹ nên dạy con trước cách sử dụng từng loại dụng cụ và cách ăn các món ở nhà trước mẹ nhé! Ví dụ: với thịt gà thì con có thể dùng tay xé, với tôm thì con dùng tay bóc vỏ, với các món xào nấu thì con nên dùng đũa gắp, chan canh thì con phải dùng muôi, bánh tráng miệng sau ăn con nên dùng dĩa để xiên….. Để giúp bé nhớ lâu hơn, mẹ có thể giảng dạy bé một cách dí dỏm, đáng yêu và hài hước trong từng bữa ăn.Với những bài học như vậy, mẹ có thể hoàn toàn an tâm cho con đi ăn ngoài với gia đình.

3. Biết nói cám ơn và không chê đồ ăn

Với trẻ nhỏ, bài học đầu tiên của bé cần học đó là biết trân trọng đồ ăn và công sức người nấu ra chúng. Tưởng chừng như đó là bài học cơ bản nhưng chính những bài học nhỏ này sẽ là những nấc thang đầu đời giúp bé trân trọng sức lao động và yêu thương người khác hơn. Mẹ nên giải thích để bé hiểu đó là những hành động lịch sự trong cách ứng xử khi ăn uống; tôn trọng, biết ơn người nấu nướng thì họ sẽ cảm thấy rất vui và hạnh phúc vì họ đã dồn hết tâm huyết và tình yêu thương đối với con qua từng món ăn.

Hãy dạy trẻ ghi nhớ một số từ ngữ lịch sự như “xin vui lòng”; “làm ơn”; “cảm ơn”; “xin lỗi”... Điều này sẽ giúp bé có thái độ sống tích cực hơn, ngoan ngoãn và thân thiện với mọi người.

4. Ngồi ngay ngắn khi ăn

Trẻ em thường hiếu động, nên chúng sẽ không chịu ngồi im một chỗ. Chính vì vậy, khi trẻ có thể ngồi ăn cùng với gia đình, cha mẹ nên rèn cho trẻ phải ngồi ngay ngắn khi ăn, không được chạy nhảy lung tung, không được nghịch ngợm trên bàn ăn.

 

 

Việc dạy cách ăn cho trẻ không hề đơn giản, vì có thể nhiều bé đã quen với được bế đi ăn dạo từ khi còn nhỏ, nên cứ đến bữa là con lại đòi đi. Nhiều bé khi không được đáp ứng nguyện vọng của mình, thường hờn dỗi, lấy đũa nghịch đồ ăn trên bàn. Đây là việc làm không tốt một chút nào, nó ảnh hưởng đến cách cư xử của con nơi đông người. Vì vậy, ngay từ khi bé bắt đầu tập ăn dặm, mẹ nên cho bé tự lập trong việc ăn uống. Mới đầu ăn, bé có thể làm rơi vãi, bẩn ra bàn ghế, ra người nhưng khi bé làm quen với việc tự ngồi ăn và biết cách cầm thìa, dĩa thì mẹ hoàn toàn yên tâm khi con lớn lên, con sẽ chủ động ngồi vào bàn ăn mà không cần phải có người ngồi ăn cùng và chăm sóc nữa.

5. Dạy trẻ không được lãng phí thức ăn

Để lại thức ăn thừa sau mỗi bữa ăn là một trong những điều không hề đẹp một chút nào. Cha mẹ hãy nhắc nhở và dạy trẻ phải ăn hết thức ăn có trong bát. Cha mẹ cần nhắc bé ăn lượng thức ăn vừa sức với mình, tránh gắp quá nhiều gây lãng phí. Điều này không chỉ giúp trẻ có thái độ lịch sự hơn trong ăn uống mà còn dạy cho trẻ tính tiết kiệm.

6. Luôn tập trung khi ăn uống

Cha mẹ cũng đừng quên dạy trẻ cần phải tập trung tinh thần khi ăn uống, tuyệt đối không được làm những việc riêng khác như xem ca nhạc, sử dụng điện thoại di động, chơi điện tử... Việc tập trung trong ăn uống sẽ giúp cho trẻ ăn ngon miệng hơn, tiêu hóa tốt hơn và đem lại nhiều lợi ích về mặt sức khỏe cho bé.

7. Có thái độ từ tốn, nhã nhặn

Trẻ em thường có thói quen đùa nghịch, nói chuyện, cười đùa ồn ào trong bữa ăn. Cha mẹ nên tập để bé giảm dần thói quen này. Ngoài ra, bạn cũng không quên giúp trẻ loại bỏ những thói quen xấu trong khi ăn như làm bắn thức ăn, nhai tóp tép, húp canh gây tiếng động... để trẻ có thái độ từ tốn, lịch sự hơn trong bữa ăn.

8. Ăn khi được cho phép

Nhiều trẻ khi nhìn thấy món đồ ăn yêu thích là liền đòi lấy ăn ngay, không cần biết có được cho phép hay không. Cha mẹ cần dạy con biết xin phép ý kiến khi làm việc gì đó, không được phép tự tiện; vì nhiều thứ đồ ăn nếu không cẩn thận trẻ ăn phải sẽ nguy hiểm. Đây không chỉ là cách dạy bảo vệ an toàn cho con mà còn dạy con biết suy nghĩ trước khi hành động.

Trẻ rất hay bắt chước những hành động, thói quen từ cha mẹ, đặc biệt là thói quen ăn uống hàng ngày. Để chỉnh sửa thói quen cho trẻ thì cha mẹ cũng cần chú ý đến việc chỉnh sửa thói quan ở bản thân để trẻ học hỏi và hoàn thiện thói quen ăn uống hơn mẹ nhé!