Trẻ biết nói “cảm ơn” và “xin lỗi” đúng thời điểm và chân thành sẽ để lại ấn tượng tốt với người khác khi giao tiếp. Nhưng phải làm sao để con bạn biết cách nói “cảm ơn” và “xin lỗi” một cách chân thành?

Gần đây, clip “Người cha dạy con nói lời xin lỗi” đã làm rơi lệ hàng triệu người xem trên internet. Trong clip này, người cha đã rất nhẹ nhàng nhưng kiên trì và kiên quyết dạy con nói lời xin lỗi. Một số người khuyên ông nên tát, hoặc đánh cô bé nhưng ông bố không làm vậy.

Ông bố tỏ ra cảm thông với con: “Ba biết là không phải dễ để nói lời xin lỗi”, nhưng ông rất kiên quyết rằng: “Con phải nói”. Người cha kiên trì hướng dẫn cho con cách lấy hơi, cách phát âm được cụm từ “xin lỗi” và cuối cùng cô bé đã làm được điều khó khăn này.

Tiếp theo đó, một tình huống khác xảy ra, một người phụ nữ vừa chọn đồ vừa nghe điện thoại đã va phải cô bé. Ông bố cũng kiên trì yêu cầu người này phải xin lỗi con mình dù người phụ nữ này kiên quyết không làm, thậm chí còn văng tục.

Đến cuối clip, khi người phụ nữ bị cảnh sát bắt, chính cô gái bé nhỏ đã hướng dẫn lại cách nói xin lỗi vừa được bố dạy cho mình. Và người phụ nữ vì cảm động, đã nói xin lỗi cô gái bé nhỏ trong nước mắt. Sự kiên trì dạy con của ông bố khiến người xem cảm động.

 

 

“Cảm ơn” và “xin lỗi” là phép lịch sự và đây cũng là một cách tôn trọng con đồng thời dạy con tôn trọng cha mẹ. Từ đó, trẻ sẽ tự tin và trưởng thành hơn trong giao tiếp, ứng xử. Trẻ biết nói “cảm ơn” và “xin lỗi” thường sau này cũng sẽ là những đứa trẻ điềm đạm, biết suy trước nghĩ sau trước mỗi vấn đề, mỗi tình huống trong cuộc sống.

Vậy phải làm sao để con bạn biết cách nói “cảm ơn” và “xin lỗi” một cách chân thành? Dưới đây là một vài gợi ý:

 

Bạn nên xin lỗi khi bạn làm gì đó sai. Muốn bé học được cách xin lỗi thì trước tiên, cha mẹ cần làm gương cho bé. Bạn nên xin lỗi khi bạn làm gì đó sai, đồng thời giải thích để bé hiểu tại sao mẹ lại phải xin lỗi. Tùy vào độ tuổi của bé, bạn có thể đưa ra những lý do xin lỗi dễ hiểu. Điều này giúp bé dần hiểu khi nào một lời xin lỗi là cần thiết.

 

Dạy bé phân biệt điều đúng – điều sai. Luôn nhất quán trong cách dạy con để bé có ý thức về việc đúng – việc sai. Điều này giúp hình thành phản xạ tự nhiên là biết nhận lỗi khi bé làm gì đó không đúng.

 

Hướng dẫn bé nhận lỗi. Bạn sẽ phải khuyến khích, thậm chí dỗ ngọt để bé chịu xin lỗi. Tuy nhiên không nên ép buộc bé làm việc này. Bạn cũng có thể để bé sang một bên, trò chuyện với bé và giúp bé tìm từ để nói trong trường hợp bé có lỗi như: “Con buồn vì đã làm hỏng đồ chơi của em”, “Con không cố ý làm vỡ cốc”… thay cho lời xin lỗi.

 

 

Dạy bé xin lỗi chân thành. Cần giảng giải về lỗi của bé để bé chịu nhận lỗi chứ không phải một lời xin lỗi lấy lệ, không xuất phát từ trái tim. Chẳng hạn, bé cần nhìn thẳng vào người đối diện, nói xin lỗi rõ ràng và chân thành.

 

Dạy bé những trường hợp giả định. Cùng bé chơi những hoạt động giả định, ví dụ nếu bé giẫm vào chân mẹ và hỏi xem lời xin lỗi của bé trong hoàn cảnh này là cần thiết hay không.