Nhiều cha mẹ cho rằng, trẻ không nhất thiết phải biết nấu ăn quá sớm, nhất là khi có mẹ ở nhà nội trợ hoặc có người giúp việc. Nấu ăn không chỉ là việc nhà, đó còn là một kỹ năng mà tất cả mọi đứa trẻ cần phải biết. Cha mẹ không nên bỏ qua điều này khi nuôi dạy con cái.

 

 

Tại sao trẻ phải học nấu ăn?

Ăn uống là một nhu cầu thiết yếu của con người. Nấu ăn là phục vụ cho nhu cầu đó. Đứa trẻ sẽ phải xoay sở thế nào khi phải ở nhà cả ngày mà không có cha mẹ? Chắc chắn rằng bạn không muốn trẻ chỉ ăn đồ hộp hay nấu mì qua bữa đợi người lớn về. Vì thế, nếu trẻ biết nấu nướng, trẻ sẽ không gặp khó khăn khi tự phục vụ bản thân.

Một người yêu thích nấu nướng có xu hướng gắn bó với gia đình nhiều hơn. Cha mẹ nào cũng muốn con cái trở về nhà vào mỗi bữa cơm. Học nấu nướng là một cách để trẻ hiểu tầm quan trọng của bữa ăn gia đình.

Khi trẻ cùng vào bếp với cha mẹ, tự nhiên sẽ có một mối liên kết giữa các thành viên trong nhà. Một đứa trẻ lớn có thể phụ giúp mẹ làm cơm khi nhà có khách hoặc vào dịp lễ tết. Trẻ sẽ tự ý thức được vị trí của mình trong gia đình.

Đối với trẻ, khi học nấu ăn sẽ hình thành trong trẻ thói quen ăn uống lành mạnh, đúng bữa. Trẻ sẽ cảm thấy ăn ngon hơn với những thức ăn mình tự làm hoặc góp phần làm ra. Sức khỏe luôn là quan trọng nhất và nó liên quan mật thiết đến bữa ăn gia đình.

Khi nào trẻ có thể bắt đầu học nấu ăn?

Ngay từ khi trẻ có thể đi đứng vững, điều này có thể làm cho nhiều cha mẹ cảm thấy ngạc nhiên. Trẻ nhỏ như thế thì có thể làm được gì? Đừng đặt mục tiêu trẻ phải làm được gì mà chỉ cần tạo cho trẻ sự hứng thú với không gian bếp núc.

Ngay khi trẻ còn chưa biết đi, cha mẹ có thể cho trẻ nhìn thấy việc nấu nướng diễn ra như thế nào. Từ 2 tuổi, trẻ có thể tham gia vào các công việc đơn giản như lấy rau củ, trái cây. Bếp là nơi có thể dạy cho trẻ phát triển nhiều giác quan và tư duy logic như nhận biết mùi vị, màu sắc, phân loại đồ vật, sống và chín, nóng và lạnh… Trẻ đến tuổi đi mẫu giáo, bếp có thể trở thành nơi dạy trẻ học toán với số lượng, hình khối… Đến 7 tuổi, tự lên một thực đơn cho mình và gia đình và điều trẻ hoàn toàn có thể làm được.

Trẻ có thể trở thành một phụ bếp nhí cho mẹ khi có thể nhận biết và lấy đồ. Công việc bếp núc sẽ không bao giờ nhàm chán nếu trẻ được thỏa sức sáng tạo món ăn.

 

 

Cách để trẻ thích thú vào bếp

  1. Để trẻ tự do “phá phách”

Trẻ con luôn thích những thứ mới lạ và được khám phá nó. Vì thế, muốn trẻ vào bếp thì đừng cấm đoán điều gì. Có thể bếp sẽ bừa bộn, lộn xộn, một vài món ăn bị phá hỏng nhưng không sao cả nếu trẻ cảm thấy thích thú và muốn sẽ có nhiều lần sau. Điều quan trọng là mẹ cần phải kiên nhẫn và cho trẻ cùng hợp tác.

  1. Cùng chơi với trẻ

Với trẻ nhỏ 2-3 tuổi, mẹ có thể dạy trẻ nhận biết các loại rau củ quả, dụng cụ làm bếp. Sau đó cùng chơi trò hỏi đáp với trẻ xem đây là cái gì, dùng để làm gì, có màu gì… Ví dụ, mẹ sẽ hỏi trẻ củ cà rốt có màu gì và để nấu món gì… Đây là một cách dạy trẻ ghi nhớ.

Khi bắt đầu dạy trẻ làm bếp, từ nhặt rau, rửa rau, sắp hoa quả lên đĩa, hãy tổ chức như một cuộc đua xem ai làm nhanh hơn. Tất nhiên trẻ sẽ vô cùng thích thú và hào hứng những lần sau nếu mình là người chiến thắng. Phần quà có thể sẽ chính là một món ăn nào đó mà trẻ yêu thích. Hoặc trẻ sẽ thích thế nào nếu mẹ để trẻ “toàn quyền” thực hiện một món ăn nào đó.

  1. Khen ngợi và khích lệ

Đây là điều không thể thiếu khi dạy trẻ bất cứ điều gì. Trẻ con luôn thích được khen ngợi và đó là động lực của trẻ. Nếu trẻ chiến thắng trò chơi, mẹ hãy khen trẻ. Cho dù trẻ làm chưa tốt lắm, thậm chí phá hỏng thì cũng nên động viên trẻ đã làm tốt và có cố gắng hơn lần trước rất nhiều. Hãy để trẻ thấy rằng mình có ích và làm được, học được nhiều thứ thú vị khi ở trong bếp.

Mẹ đừng quên sắm cho bé một chiếc tạp dề nhỏ xinh hay một đôi găng tay làm bếp để trẻ cảm thấy mình cũng trở thành một người quan trọng trong bếp như mẹ. Nếu lâu trẻ không vào bếp nữa thì đó có thể là lý do để 'nhắc khéo' trẻ.

  1. Dạy trẻ những điều mới

Tùy vào độ tuổi mà trẻ có thể làm được những việc gì. Nhưng mỗi ngày một việc mới sẽ khiến trẻ cảm thấy có sự mới lạ. Hôm nay mẹ dạy trẻ nhặt rau muống, ngày mai dạy nhặt đỗ. Sắp xếp từng loại rau củ, món ăn như thế nào trẻ cũng muốn được biết.

Khi trẻ khá quen thuộc với các món ăn, mẹ có thể để bé là “chuyên gia tư vấn dinh dưỡng gia đình”. Hãy hỏi trẻ rằng, hôm nay nhà mình sẽ ăn gì? Trẻ con luôn có cả kho ý tưởng bất ngờ mà người lớn không thể nghĩ ra được.

5. Chú ý khi trẻ vào bếp

Nhà bếp luôn tiềm ẩn những mối nguy hiểm như dao kéo, máy xay, máy trộn, bếp ga, bình ga, bồn rửa… Hãy chắc chắn rằng cha mẹ đã cảnh báo cho trẻ mức độ nguy hiểm để trẻ tránh xa những thứ đó. Đồng thời, bạn cũng phải thiết kế các vật dụng đó đủ an toàn để trẻ có thể tự do khi ở trong bếp mà không sợ bị đứt tay, bỏng hay đổ vỡ.

Trẻ con hay có thói quen cho mọi thứ vào miệng để “nếm”. Vì thế, bố mẹ phải dặn trẻ không được ăn bất cứ thứ gì mà chưa có sự cho phép của mình. Cảnh báo cho trẻ những thứ ăn sống hoặc chưa chín có thể khiến trẻ đau bụng, bị ốm và mệt mỏi.

Khi trẻ học nấu ăn, hãy cho trẻ biết nguyên tắc vệ sinh sạch sẽ khi chế biến thực phẩm. Rửa tay trước và sau khi nấu, nhất là khi đi vệ sinh hoặc hắt hơi là cần thiết. Đây cũng là cách dạy trẻ thói quen rửa tay ở nhiều trường hợp khác.

Quyết định dạy trẻ nấu ăn, bạn phải xác định mình sẽ phải bận rộn hơn để dọn những thứ bừa bộn trẻ gây ra. Nhưng chắc chắn rằng, việc này không chỉ mang lại niềm vui, thích thú mà còn giúp trẻ nhiều điều trong cuộc sống sau này.