Kiên trì và nhẫn nại là đức tính quý báu và cần thiết cho mỗi người, nhưng với trẻ em thì việc rèn luyện đức tính này không đơn giản vì trẻ chóng chán và dễ thay đổi. Do đó, cha mẹ sẽ là những người thầy, cô đầu tiên cần thực hành đức tính kiên nhẫn cho trẻ noi theo. Thay vì cáu giận, nóng nảy các bậc phụ huynh cần điềm tĩnh, nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo và luôn tỏ ra mềm mỏng trước mặt con cái.

Làm sao dạy trẻ tính kiên nhẫn? Việc dạy trẻ tính kiên nhẫn là cả một quá trình lâu dài và cần có phương pháp thích hợp với từng độ tuổi khác nhau. Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ có thể lồng ghép kể cho con nghe những câu chuyện về tính kiên nhẫn để qua đó phân tích cho trẻ thấy ích lợi của tính kiên nhẫn để trẻ có thể học tập và rèn luyện ngay từ những ngày đầu.

Cha mẹ có thể tạo điều kiện để trẻ học tính kiên nhẫn như luôn cổ vũ trẻ hoàn thành hết công việc đang làm dở, đôi khi cha mẹ có thể kéo dài việc chờ đợi của trẻ một chút kèm theo đó là việc uốn nắn trẻ không được tỏ ra bất bình hay có thái độ bất hợp tác vì chờ đợi đương nhiên là sẽ rất sốt ruột và đây là điều mà trẻ không bao giờ thích. Khi trẻ muốn có được một món đồ, bạn có thể đáp ứng nhu cầu đó của trẻ. Nhưng thay vì đưa ngay cho trẻ thứ trẻ muốn thì người lớn hãy dạy trẻ học được một điều rằng “mọi thứ có được chẳng bao giờ là dễ dàng và cần phải chờ đợi”.

Ngoài ra, mỗi khi con yêu cầu có được thứ gì, bạn cũng hãy ra điều kiện ngược lại. Con sẽ phải hoàn thành bài tập, làm việc nhà hoặc một điều gì đó rồi mới nhận được thứ mình muốn. Phương pháp này sẽ giúp trẻ học được cách có mọi thứ bằng chính năng lực của bản thân. Nó sẽ giúp trẻ biết chờ đợi là có ích. Từ đó, trẻ sẽ hiểu được ý nghĩa của thời gian, nên nhẫn nại và biết mình cần phải chờ bao lâu.

 

 

Trẻ có thể làm gì trong thời gian phải chời đợi bố mẹ? Khoảng thời gian này cũng được coi là cơ hội để trẻ vừa học tập tính kiên nhẫn vừa thỏa sức sáng tạo làm những thứ mình muốn. Nếu vì lý do nào đó của bố mẹ mà các con phải chờ đợi, hãy biến quãng thời gian đó thành quãng thời gian thú vị của con. Bố mẹ có thể hướng dẫn con làm một việc gì đó và vờ như không chú ý đến con để con có thể tự do sáng tạo công việc của mình và nhiệm vụ của bạn là quan sát và nhắc nhở con khi cần thiết.

Giao tiếp là kỹ năng sống cần thiết của cuộc sống. Do vậy cha mẹ cần tạo điều kiện để trẻ được giao tiếp thường xuyên với mọi người. Lúc này trẻ sẽ được học về cách giao tiếp sao cho phù hợp, không nôn nóng, trong những trường hợp đặc biệt trẻ có thể im lặng và kiên nhẫn khi nghe câu chuyện của người khác.

 

 

Tóm lại, kiên nhẫn có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc sống mỗi người, do vậy cha mẹ cần chú trọng đến việc làm sao dạy trẻ tính kiên nhẫn. Luôn luôn làm gương cho trẻ noi theo và nhắc nhở trẻ rèn luyện tính kiên nhẫn sẽ giúp trẻ học hỏi nhanh và sớm có được đức tính quý báu này ngay từ nhỏ.