Rắn lục xanh đuôi đỏ thuộc họ rắn lục (Viperidae) giống (Cryptelytrops). Họ rắn lục có nhiều giống và loài khác nhau nhưng có chung độc tính là gây rối loạn đông máu, chảy máu. Ở Việt Nam, rắn lục xanh đuôi đỏ sống phân bổ trên cả nước, loại rắn này thường sống ở trên cây và các gò, bụi rậm rạp.

 

 

          Cách điều trị sơ cứu ban đầu

          Đa số bệnh nhân bị rắn lục xanh đuôi đỏ cắn là ở phần tay và chân do trong quá trình lao động hoặc nhiều yếu tố công việc khác nhau. Dấu hiệu ban đầu khi chúng ta bị loại rắn này cắn là biểu hiện có 2 dấu răng cách nhau khoảng 1cm. Vài phút sau khi bị cắn sẽ sưng nề nhanh, đau nhức nhiều, tại chỗ vết cắn máu chảy liên tục không tự cầm. Khi bị rắn lục xanh đuôi đỏ cắn, bệnh nhân cần được sơ cứu thích hợp, vận chuyển nhanh chóng và an toàn tới các khoa cấp cứu hoặc khoa hồi sức chống độc. Các bệnh nhân có chảy máu hoặc có xét nghiệm đông máu 20 phút tại giường dương tính phải được điều trị bằng huyết thanh kháng nộc rắn lục hoặc truyền máu và các chế phẩm máu. Bác sĩ và người nhà nên trấn an giảm lo lắng cho bệnh nhân, cởi bỏ những đồ trang sức nếu có, tránh gây chèn ép khi chi sưng nề, rửa vết thương, sát trùng tại chỗ cắn, chống uốn ván (tiêm SAT) kháng sinh dự phòng, băng ép tại chỗ bị cắn trở lên gốc chi hoặc garô tĩnh mạch, không garô động mạch. Không để bệnh nhân tự đi lại, bất động chi bị cắn bằng nẹp. Ngay sau khi bị cắn, có thể nặn, hút máu tại vết cắn để loại trừ bớt nộc độc. Không được chích rạch tại vết cắn, nếu đau nhiều có thể uống thuốc giảm đau bằng paracetamol. Nếu tụt huyết áp, đe dọa sốc do mất máu hoặc phản vệ, nên đặt ngay một đường truyền tĩnh mạch ngoại vi ( đặt ở chi khác chi bị cắn) để truyền dịch.

          Để phòng tránh bị rắn lục xanh đuôi đỏ cắn, khi đi vào rừng, đi làm ngoài đồng ruộng hoặc những nơi nghi có rắn lục phải đội mũ rộng vành, mặc quần áo dài, đi giày cao cổ và chú ý quan sát kỹ trước khi đi đến những nơi này, nhằm giảm thiểu số bệnh nhân bị rắn lục xanh đuôi đỏ cắn như thời gian gần đây.