Hướng Dẫn Kỹ Thuật Trồng Và Chăm Sóc Cây Hoa Mai
Cây mai vàng là nét đặc trưng cho tết ở miền Nam, là loại cây phong thủy có giá trị và được mọi người xem trọng. Tết Nguyên Đán luôn là khoảng thời gian được mong chờ nhất trong năm, thiếu đi màu vàng của mai thì giống như thiếu đi sự chúc phúc, sự may mắn của thiên nhiên vậy. Mai vàng là thứ không thể thiếu trong cái tết của người dân Nam bộ nói chung và khắp cả nước nói riêng, nó mang cả tâm hồn của dân tộc, cả một màu quê hương. Dân gian quan niệm rằng, màu vàng của hoa mai tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc, hoa mai nở vàng rực đầu năm là gia đình sẽ phát tài phát lộc, sung túc cả năm. Hoa Mai là nét riêng trong cái tết của người dân Nam bộ, với màu vàng sáng rực, chói chang cùng nắng xuân thật ấm áp và hân hoan càng làm cho không khí tết rộn ràng, vui nhộn.
Nhưng việc trồng và chăm sóc mai không hề dễ nếu bạn không có những kiến thức cơ bản cũng như một số kinh nghiệm nho nhỏ. Hãy cùng trồng và chăm sóc cây mai vàng đúng kỹ thuật để có những ngày tết thật trọn vẹn và như ý, đầy tài lộc. Dưới đây chúng tôi xin hướng dẫn một số kinh nghiệm cũng như kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mai.
1. Chọn giống mai
Trước đây, chủ yếu chỉ có hai loại mai đó là mai vàng chỉ nở hoa vào dịp tết, và mai tứ quý vì nó ra hoa mỗi năm 4 lần, ứng vào mỗi quý trong năm. Nhưng hiện nay trên thị trường đã có thêm một số loại mai khác, được lai tạo và có những điểm nổi bật hơn, nhưng Mai vàng 5 cánh vẫn là giống cây được trồng phổ biến nhất tại nước ta Mai vàng trước đây chỉ có khoảng 5 – 10 cánh hoa, còn hiện nay mai vàng được tạo ra những giống trên 10 cánh, những bông hoa mai dày đặc cánh và nở kín cả cây. Ngoài ra còn có giống mai trắng, nhẹ nhàng và thanh thoát với màu trắng cùng cánh hoa mỏng, nhưng do quan niệm màu vàng sẽ may mắn và đem lại tài lộc nên mai trắng chỉ được trồng thêm như để tạo điểm nhấn hoặc cho vườn mai được phong phú hơn. Cây mai có thể trồng bằng hạt hoặc bằng cành ghép, cành chiết, cành giâm đều được. Trồng bằng hạt sẽ ít tốn công sức và chi phí, cây sống thọ hơn nhưng thường cây mai khó mang những đặc điểm tốt của cây mẹ (hoa sẽ nhỏ hơn, cây ít cành hơn hay đôi khi hoa không giống màu với cây mẹ,…). Với các phương pháp chiết, ghép hay giâm cành thì bạn vừa giữ được các đặc tính tốt từ cây mẹ vừa có thể ghép phối hợp các loại mai trên cùng một cây.
2. Thời vụ trồng
Mai vàng thích hợp với khí hậu nóng ẩm, nhiệt độ tốt nhất là từ 250C – 300C. Khác với hoa đào, những vùng có nhiệt độ thấp dưới 100C thì cây khó sống, nếu trồng được thì sức sống rất yếu. Là loại cây ưa nắng, ưa ẩm thì trồng vào khoảng thời gian từ cuối tháng 10 Âm lịch (AL) – tháng 2 Âm lịch (AL) là tốt nhất.
3. Chọn đất trồng
Hoa mai không phải là loại cây kén đất, chỉ cần đất trồng phải tơi xốp và giữ ẩm tốt thì cây mai sẽ phát triển tốt, hoa mai kỵ nhất là đất không thoát nước, dễ ngập úng. Chọn những vị trí có ánh nắng trực tiếp và thông thoáng, không nên trồng quá gần nhau, cây cách cây ít nhất 1m.
- Trồng trực tiếp trên nền đất
Nên chọn đất thịt nhẹ có nhiều chất hữu cơ, đất không chua, không mặn và không bị nhiễm phèn hay các hóa chất độc hại, có thể dùng đất thịt, đất cát hoặc dùng đất phù sa, đất vườn phối trộn với nhau để trồng… trộn thêm xơ dừa, tro trấu để tăng khả năng giữ nước và chất dinh dưỡng.. Nếu nơi bạn trồng có mặt bằng đất thấp thì bạn nên lên liếp, làm mô để cây mai không bị úng nước. Đào hố và bón lót xong, bạn lấp một lượng đất trồng đến khoảng 2/3 hố, đặt cây mai vào và tiếp tục lấp đất đến khi đầy và vun cao lên. Có thể dùng rơm khô để phủ gốc lúc mới trồng để tăng khả năng giữ ẩm cho cây.
- Trồng trong chậu Đối với trồng chậu thì bạn cũng chọn đất có tính chất tương tự như trên. Cây mai không thích hợp với điều kiện chật hẹp nên chọn chậu phải có chiều sâu, tạo điều kiện cho rễ cây phát triển, đầu rễ phải cách đáy chậu ít nhất 20 cm và cứ 2 năm bạn nên thay chậu to hơn để cây có thêm không gian phát triển. Khi trồng, đầu tiên bạn nên lót một ít đá nham thạch hoặc một lớp sỏi ở phía dưới đáy để tạo độ thông thoáng và thoát nước tốt, sau đó là lớp đất trồng cho vào đến khoảng nửa chậu thì để cây vào trồng và tiếp tục lấp đất đến khi đầy chậu. Trồng xong bạn nên kê chậu cao lên, không để chậu tiếp xúc trực tiếp với nền đất, để hạn chế các côn trùng gây hại xâm nhập vào. chăm sóc cây mai dịp tết Cây mai vàng được trồng trong chậu trong dịp tết .
4. Bón phân và tưới nước
- Bón phân Tốt nhất nên sử dụng các loại phân hữu cơ để bón cho cây. Tùy vào kích cỡ cây mai của bạn như thế nào mà điều chỉnh lượng phân bón ít hay nhiều.
Bón lót: Lượng phân bón sẽ chiếm khoảng 1/10 lượng đất trồng trong hố hay trong chậu, trộn đều với đất trước khi trồng.
Bón thúc: Sau trồng khoảng 10 – 15 ngày cây bắt đầu ra rễ mới thì bón thúc phân, bón khoảng 50 - 60 gram cho cây cỡ nhỏ (cao khoảng 40 – 50 cm). Cứ cách 20 – 30 ngày là có thể bón thúc lần nữa, nếu cây mai của bạn to thì nên tăng lượng phân bón lên và khoảng cách giữa mỗi lần bón cách nhau xa hơn. Lưu ý: Tuyệt đối không nên bón sát gốc, mà phải rải xung quanh và tưới đẫm nước. Không nên xới xáo đất khi bón, vì nếu làm đứt rễ cây mai sẽ dễ bị nhiễm trùng.
- Tưới nước Cây hoa mai chịu hạn khá tốt, nhưng nếu để cây “khát” trong thời gian dài thì không nên, vì như vậy cây sẽ cằn cỗi và suy kiệt. Luôn giữ cho đất ẩm nhưng không ngập nước. Vào những ngày nắng nên tưới mỗi ngày một lần hoặc tưới cách ngày cũng được, tưới đẫm nước bằng cách dùng vòi tưới thẳng vào gốc và xịt nước với tia nhỏ lên khắp tán lá sẽ tốt hơn, thời gian tưới tốt nhất là buổi sáng (khoảng 6h – 7h).
Vào mùa mưa thì không cần tưới, chú ý giữ cho đất thoát nước tốt. Đối với trồng chậu thì nên tưới nước mỗi ngày, vì đất trong chậu đã bị giới hạn nên rất nhanh khô, không giữ ẩm được lâu. Mỗi ngày nên tưới 2 lần vào buổi sáng (khoảng 6h – 7h sáng) và buổi chiều (khoảng 5h – 6h chiều).
5. Cắt tỉa cành tạo tán
Cây không cắt tỉa mà để cành rậm rạp, dày đặc thì sẽ tạo môi trường cho sâu bệnh hại phát sinh. Cứ khoảng 2 tháng thì nên cắt tỉa cành 1 lần, những cành tăm, cành yếu hay cành bị sâu bệnh, già cỗi, những cành mọc dày đặc trong tán đều dùng kéo hoặc dao cắt bỏ, những cành vươn dài thì nên cắt ngắn lại chừa khoảng 4 – 5 nách lá. Đặc biệt mai vàng còn là loại cây có ý nghĩa trong phong thủy, nên việc tỉa cành tạo tán không đơn thuần là tạo độ thông thoáng, hạn chế sâu bệnh hại mà dáng cây của cây sẽ chính là điểm nhấn và có thể ảnh hưởng đến phong thủy nhà bạn. Với các nhà vườn trồng mai, từ những cây mai to cho đến dạng bonsai thì họ đều uốn cành và cắt tỉa thành những dáng cây rất nghệ thuật và đầy ý nghĩa mà trong giới cây cảnh họ gọi là “thế”. Thường thì khi cây mai còn nhỏ sẽ dễ tạo dáng hơn. Đây là công việc đòi hỏi sự thẩm mỹ cao, kiên nhẫn và sáng tạo của các nghệ nhân.
6. Làm cỏ và phòng trừ sâu bệnh hại
- Làm cỏ Trồng chậu thì việc làm cỏ khá dễ dàng, nếu cỏ nhỏ thì bạn có thể để lại, không cần nhổ bỏ vẫn được vì nó không cạnh tranh dinh dưỡng quá nhiều, mà còn góp phần giữ ẩm cho đất. Những loại cỏ cao, to thì nên dùng kéo hoặc dao cắt ngang để hạn chế sự phát triển của chúng, giữ lại phần rễ để giúp giữ ẩm, giữ đất cho cây. Hoặc bạn lót một ít sỏi đá gần gốc để hạn chế không cho cỏ mọc. Trường hợp bạn không trồng chậu thì cần làm sạch cỏ xung quanh gốc, không nên để cỏ dại mọc cao và quá dày, nhất là trong phạm vi bán kính của tán cây. Nếu cỏ nhỏ, không đáng kể thì vẫn có thể chừa lại.
- Phòng trừ sâu bệnh hại Trên cây mai vàng thường bị sâu cắn lá, sâu đục thân, nhện đỏ và rệp mềm ở các đọt non, bạn có thể dùng biện pháp thủ công là bắt bằng tay, vì các loại sâu gây hại thường rất ít nên những chú chim có thể giúp bạn. Với rệp mềm, khi còn ở mật độ ít bạn dùng vòi xịt nước với cường độ khá mạnh thì sẽ dễ dàng đánh bật chúng khỏi đọt non. Quan trọng nhất là giai đoạn cây trổ nụ hoa vì đây là “món ngon nhất” đối với các côn trùng gây hại, đặc biệt là kiến, rệp mềm, và cả sâu ăn tạp. Nhưng cây mai rất nhạy cảm với các chất hóa học nên tốt nhất là không sử dụng các loại thuốc BVTV. Bạn nên phòng ngừa từ những khâu chọn giống, chọn đất trồng cho đến trong quá trình chăm sóc, yêu cầu phải đúng kỹ thuật và phải theo dõi cây thường xuyên. Nên trồng các cây cách xa nhau và tạo độ thông thoáng cho cây, không tạo môi trường cho sâu bệnh hại phát sinh.
7. Kỹ thuật xử lý ra hoa trước tết
Thời tiết hay khí hậu là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phân hóa mầm hoa và ra hoa của cây, chỉ một sự thay đổi nhỏ cũng có thể khiến cây ra hoa sớm hoặc muộn. Để cây ra hoa đúng lúc mà mình mong muốn thì phải áp dụng đồng bộ các biện pháp bón phân – xiết nước – tuốt lá (lặt bỏ lá mai).
Từ đầu tháng 10 AL thì bắt đầu xiết phân và xiết nước lại cho đến cuối tháng 11 AL, bắt đầu từ ngày 10 tháng 12 AL thì quan sát cây cũng như xem xét thời tiết như thế nào rồi tính toán thời gian để tuốt lá mai. Trong điều kiện tự nhiên cây mai sẽ rụng lá vào cuối mùa đông, khi bắt đầu lập xuân. Sau khi lá rụng thì các mầm hoa sẽ bắt đầu bung lớp vỏ trấu. Nụ xanh sẽ nở rộ từ 6 – 7 ngày sau khi bung vỏ trấu, nên cần quan sát đặc điểm của mầm hoa, xem dự báo thời tiết để tính toán thời gian tuốt lá sao cho mầm hoa bung vỏ trấu vào khoảng ngày 22, 23 tháng 12 AL là đẹp nhất.
- Đặc điểm mầm hoa Khoảng đầu tháng 12 AL, nếu thấy các mầm hoa to tròn như quả trứng, có 2 – 3 vỏ trấu bao bên ngoài thì tuốt lá vào khoảng ngày 16 – 17 tháng 12 AL. Nếu mầm hoa còn thon, chưa tròn đầy thì tuốt lá sớm hơn, khoảng ngày 15 – 16 tháng 12 AL để kích cho cây tập trung nuôi mầm hoa. Sau khi tuốt lá thì nghỉ tưới nước 1 ngày để nhựa cây khô hẳn rồi mới tưới nước lại và thúc phân lần cuối, bón khoảng 50 – 80 gram tùy vào kích cỡ cây.
- Diễn biến thời tiết Nếu nhiệt độ không khí cao, trời nắng tốt thì cây sẽ nhanh ra hoa, vậy thì sẽ tuốt lá trễ hơn, nếu ngược lại thì tuốt lá sớm hơn. Khoảng thời gian sớm hay trễ hơn khoảng 1 – 2 ngày. - Tình trạng của cây Cây sinh trưởng khỏe, cành lá sum suê thì thường sẽ chậm ra hoa, nên chuẩn bị áp dụng các biện pháp ép cây ra hoa sớm. Trường hợp tuốt lá trễ, sợ cây không nở hoa kịp tết thì bạn nên ngắt đọt non, phun ướt những mầm hoa chưa bung vỏ trấu vào những lúc trời nắng, tưới nước ấm vào gốc, dùng đèn cao áp thắp sáng vào khoảng 7h – 8h tối, khi thực hiện các biện pháp này có thể kích cây ra hoa sớm hơn từ 2 – 3 ngày. Ngược lại, cây yếu và có thể tự rụng lá trước thì cần kiềm hãm lại, nếu không cây sẽ ra hoa quá sớm và bỏ lỡ khoảng khắc đẹp nhất cho ngày tết. Khoảng đến ngày 20 tháng 12 AL mới tuốt lá, dùng vải đen bao trùm cây mai lại, đặt nước đá lên mặt đất gần gốc, đặt cây ở nơi râm mát và xới xáo nhẹ đất ở gốc để làm đứt 1 ít rễ con của cây.
8. Chăm sóc cây mai sau tết
Trong tết cây mai như vắt kiệt hết sức mình để bung những cánh hoa rực rỡ đẹp nhất cho ngày xuân, nên sau tết cây sẽ bị kiệt sức và yếu đi. Nếu trồng chậu thì nên chuyển cây ra trồng trên đất sẽ giúp cây có không gian phát triển cũng như tự phục hồi nhanh hơn. Trường hợp không thể chuyển ra ngoài thì bạn hãy thay mới 1/3 lượng đất trong chậu, bổ sung thêm phân bón hữu cơ, và tưới nước giữ cho đất luôn được ẩm. Bạn cần biết cách chăm sóc mai sau Tết để cây có thể phát triển và ra hoa vào cuối năm sau. Như vậy, bạn sẽ tiết kiệm được tiền mua chậu cây mới mà vẫn có một chậu mai ưng ý để chơi Tết.
Thông thường có 3 loại: Cây mai trồng chậu chưng trong nhà, cây mai trồng chậu chưng ngoài sân và cây trồng đất. Với mỗi loại cây hoa mai thì lại có cách chăm sóc mai sau Tết, phục hồi mai với các mức độ khác nhau.
- Với chậu mai chưng trong nhà Mai chưng trong mấy ngày Tết thường từ 27, 28 đến mồng 6 Tết, chính vì ở trong nhà nên cây không được tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời dẫn đến không quang hợp được nhiều, khi đó lá cây sẽ mỏng, màu xanh nhạt, cành vươn dài nhưng mảnh và yếu. Nhiều gia chủ không chịu khó chăm sóc mai mà chỉ đổ một ít nước hoặc thậm chí là "tưới" cả nước ngọt hoặc bia vào gốc mai. Bên cạnh đó đa số mai hiện nay đều bị phun thuốc kích thích ra hoa, giữ hoa khiến cho sinh lý của mai không ổn định. Trong những này này, mai phải dồn tối đa nhựa để nuôi hoa cộng với trong một tuần liền phải sống trong điều kiện thiếu thốn nên mai bị kiệt sức, nếu bạn không chăm sóc tốt thì có thể sang năm, mai sẽ không ra hoa nữa. Sau Tết, bạn nên đem mai ra ngoài càng sớm càng tốt nhưng phải để mai trong bóng râm chứ không tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời vì có thể khiến lá mai bị cháy. Bạn cần lặt bỏ hết hoa mai và nụ mai trên cây để cây không phải dồn chất dinh dưỡng nuôi hoa, nuôi nụ.
- Với chậu mai chưng ngoài sân hoặc cây mai trồng ngoài nền đất Những chậu mai được chưng ngoài sân hoặc ngoài vườn do được sống trong môi trường khá giống với tự nhiên nên bạn sẽ không cần phải mất quá nhiều công sức để chăm sóc như chậu mai để chưng trong nhà. Bạn cũng cần ngắt bỏ toàn bộ hoa và nụ mai để cây có thể tập trung chất dinh dưỡng nuôi cây. Vì mai được chưng ở ngoài nên đã quen nắng gió, do vậy, bạn không cần phải đem chậu cây vào bóng mát.
Công việc chăm sóc mai sau Tết vậy là coi như hoàn chỉnh. Làm tốt các việc trên giúp chuẩn bị thật tốt cho cây mai để cây tích luỹ chất dinh dưỡng trong mùa mưa, tạo nụ hoa để cho những hoa thật đẹp vào Tết năm sau.
Viết bình luận: