Sapa là một huyện miền núi thuộc khu vực Tây Bắc nước ta. Với độ cao khoảng 1.500-1.600 m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình trong năm ở đây đạt khoảng 15 độ C. Xứ sở sương mù của Việt Nam có những điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá nước lạnh với các giống cá hồi, cá tầm.

 

Bể ươm cá hồi giống

 

Hiện, hình thức nuôi cá hồi được áp dụng tại các cơ sở ở Sapa là trứng cá đã thụ tinh nhân tạo từ châu Âu nhập về và tiến hành nuôi thả trong môi trường nước lạnh khoảng 1,5 đến 2 tháng. Sau đó, trứng sẽ nở thành cá con. Cá con được ươm giống cho đến khi đạt khoảng 30 gram thì chuyển ra hồ nuôi thương phẩm.

 

Nguồn nước nuôi cá hồi phải được lấy từ đầu nguồn

 

 

Nước để nuôi cá hồi phải là nguồn nước lạnh và sạch. Môi trường sinh trưởng của cá cần có dòng nước chảy, do vậy, các bể nuôi thường được đặt ở gần đầu nguồn của những con suối. Người nuôi sẽ sử dụng ống dẫn nước từ đầu nguồn về qua hệ thống bể lọc trước khi đưa vào bể.

Bể ở đây có thiết kế hình lòng chảo, gồm đầu cấp và thoát nước tạo thành dòng chảy liên tục. Dòng chảy này vừa tạo ra môi trường sống gần với tự nhiên của cá hồi, đồng thời giúp nước trong bể luôn sạch sẽ, không bị ứ đọng chất thải. Nguồn nước thải sẽ được đựng trong một bể lắng để xử lý trước khi trả về môi trường tự nhiên.

 

Sau một năm nuôi cá Hồi đạt trọng lượng khoảng 1-2 kg/1con

 

Sau khoảng 6 tháng nuôi, cá hồi đạt trọng lượng khoảng 0,6-1kg mỗi con. Sau 2 năm, khối lượng này có thể tăng đến 1,8-2,5 kg mỗi con. Từ năm 2015, toàn huyện Sapa có hơn 30 cơ sở nuôi cá nước lạnh với diện tích mặt nước khoảng 1,7 ha, tập trung ở xã Bản Khoang, Tả Van, Tả Giàng Phình, Tả Phìn, Lao Chải, San Sả Hồ, thị trấn Sapa. Hiện nay, tổng sản lượng cá hồi của địa phương đạt khoảng 700 - 800 tấn mỗi năm. Với giá bán 280.000 - 400.000 đồng một kg, cá hồi mang lại doanh thu hàng tỷ đồng cho các cơ sở nuôi cá hồi tại Sa Pa.