Tội phạm mua bán Trẻ Em xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo báo cáo của Bộ Công an, số Trẻ Em bị mua bán và nghi vấn bị mua bán đa số thuộc các dân tộc thiểu số (chiếm trên 80%), thường tập trung ở những vùng nông thôn, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, phần lớn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn... Đa số Trẻ Em khi bị lừa bán ra nước ngoài, bị cưỡng ép tình dục và cưỡng bức lao động.

Mức Độ Vi Phạm Và Hình Thức Xử Phạt Khi Có Hành Vi Mua Bán Trẻ Em

I. Tội mua bán người dưới 16 tuổi 
Điều 151 Bộ Luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 28 Điều 1 Bộ Luật hình sự sửa đổi 2017, một số điều của Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP, nội dung quy định về tội mua bán người dưới 16 tuổi như sau:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm: 
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo; 
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
- Để bóc lột tình dục: Là trường hợp chuyển giao, tiếp nhận hoặc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp nạn nhân nhằm chuyển giao cho người khác để thực hiện các hoạt động bóc lột tình dục (như tổ chức cho nạn nhân bán dâm, đưa nạn nhân đến các cơ sở chứa mại dâm để bán dâm, sử dụng nạn nhân để sản xuất ấn phẩm khiêu dâm, trình diễn khiêu dâm, làm nô lệ tình dục...) hoặc tiếp nhận nạn nhân để phục vụ nhu cầu tình dục của chính mình.
- Để cưỡng bức lao động  là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác nhằm buộc nạn nhân lao động trái ý muốn của họ.
- Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân  là trường hợp chuyển giao, tiếp nhận hoặc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp nạn nhân để chuyển giao nhằm lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân. 
Bộ phận cơ thể là một phần của cơ thể được hình thành từ nhiều loại mô khác nhau để thực hiện các chức năng sinh lý nhất định của con người.
- Vì mục đích vô nhân đạo khác  là sử dụng nạn nhân để làm thí nghiệm, buộc nạn nhân phải đi ăn xin hoặc sử dụng nạn nhân vào các mục đích tàn ác khác.
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này. 
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: 
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; 
b) Lợi dụng hoạt động cho, nhận con nuôi để phạm tội; 
c) Đối với từ 02 người đến 05 người; 
d) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng; 
đ) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (là trường hợp người phạm tội đã hoặc đang đưa nạn nhân ra khỏi biên giới quốc gia trên đất liền, trên biển, trên không và trong lòng đất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cũng được coi là đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nếu đã thực hiện thủ tục xuất cảnh đối với nạn nhân.); 
e) Phạm tội 02 lần trở lên (là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội mua bán người dưới 16 tuổi từ 02 lần trở lên nhưng đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự); 
g) Vì động cơ đê hèn (là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội để trả thù; phạm tội để trốn tránh trách nhiệm của bản thân; phạm tội đối với người mà mình mang ơn hoặc những hành vi phạm tội khác thể hiện sự bội bạc, phản trắc.); 
h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều này. 
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: 
a) Có tổ chức (Là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ và phân công, sắp đặt vai trò của những người cùng thực hiện tội phạm); 
b) Có tính chất chuyên nghiệp (Là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi mua bán người dưới 16 tuổi từ 05 lần trở lên (không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích) và người phạm tội lấy khoản lợi bất chính thu được từ việc mua bán người dưới 16 tuổi làm nguồn sống chính.); 
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; 
d) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân (Là trường hợp người phạm tội mua bán người dưới 16 tuổi, sau đó đã lấy đi bộ phận cơ thể của nạn nhân); 
đ) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát; 
e) Đối với 06 người trở lên; 
g) Tái phạm nguy hiểm. 
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
- Tuổi chịu trách nhiệm hình sự khi phạm tội mua bán người dưới 16 tuổi: Căn cứ Điều 12 Bộ Luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Bộ Luật hình sự sửa đổi 2017, nội dung quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự khi phạm tội mua bán người dưới 16 tuổi như sau:
+ Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng về tội mua bán người dưới 16 tuổi được quy định tại Điều 151 Bộ luật hình sự.

Mức Độ Vi Phạm Và Hình Thức Xử Phạt Khi Có Hành Vi Mua Bán Trẻ Em

II. Tội mua bán trẻ em bằng thủ đoạn môi giới nuôi con nuôi
Điều 7 Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp sử dụng thủ đoạn môi giới nuôi con nuôi như sau:
1. Người sử dụng thủ đoạn môi giới nuôi con nuôi dưới 16 tuổi bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 151 của Bộ luật Hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Biết mục đích của người nhận nuôi con nuôi dưới 16 tuổi là để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, bán cho người khác hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác nhưng vẫn chuyển giao nạn nhân để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
b) Lợi dụng việc cho nhận con nuôi để tiếp nhận con nuôi là người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để môi giới nhận nuôi con nuôi dưới 16 tuổi trái pháp luật hoặc tạo điều kiện cho việc môi giới, nhận nuôi con nuôi trái pháp luật mà biết mục đích của người nhận nuôi con nuôi là nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
2. Người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để môi giới nhận nuôi con nuôi trái pháp luật hoặc tạo điều kiện cho việc môi giới, nhận nuôi con nuôi trái pháp luật, nhưng không biết người nhận nuôi con nuôi nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người dưới 16 tuổi, nhưng tùy từng trường hợp cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tương ứng theo quy định của Bộ luật Hình sự.
3. Người biết người khác thực sự có nhu cầu nuôi con nuôi (do hiếm muộn hoặc có lòng yêu trẻ) đã môi giới cho người này xin con nuôi của người vì hoàn cảnh gia đình khó khăn không có điều kiện nuôi con muốn cho con đẻ của mình đi làm con nuôi và có nhận một khoản tiền từ việc cho con và việc môi giới. Đây là trường hợp vì mục đích nhân đạo nên người môi giới, người cho con mình đi làm con nuôi và người nhận con nuôi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người dưới 16 tuổi.
III. Tội đánh tráo người dưới 01 tuổi
Điều 152 Bộ Luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Điểm g Khoản 2 Điều 2 Bộ Luật hình sự sửa đổi 2017, nội dung quy định về tội đánh tráo người dưới 01 tuổi như sau:
1. Người nào đánh tráo người dưới 01 tuổi, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;
c) Đối với người dưới 01 tuổi mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;
d) Phạm tội 02 lần trở lên.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
IV. Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi
Điều 153 Bộ Luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 29 Điều 1Bộ Luật hình sự sửa đổi 2017, nội dung quy định về tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi như sau:
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;
c) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;
d) Đối với từ 02 người đến 05 người;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đối với 06 người trở lên;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
V. Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người
Điều 154 Bộ Luật hình sự 2015 quy định về tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người như sau:
1. Người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vì mục đích thương mại;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;
d) Đối với từ 02 người đến 05 người;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Đối với 06 người trở lên;
d) Gây chết người;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
VI. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
Điều 169 Bộ Luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 33 Điều 1Bộ Luật hình sự sửa đổi 2017, nội dung quy định về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản như sau:
1. Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
d) Đối với người dưới 16 tuổi;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
g) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11 % đến 30%;
h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết người;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
- Tuổi chịu trách nhiệm hình sự khi phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản: Căn cứ Điều 12 Bộ Luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Bộ Luật hình sự sửa đổi 2017, nội dung quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự khi phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản như sau:
- Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 169 Bộ luật hình sự.
VII. Tội bắt cóc con tin
Điều 301 Bộ Luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 103 Điều 1Bộ Luật hình sự sửa đổi 2017, nội dung quy định về tội bắt cóc con tin như sau:
1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người khác làm con tin nhằm cưỡng ép một quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân làm hoặc không làm một việc như một điều kiện để thả con tin, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 113 và Điều 299 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 04 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: 
a) Có tổ chức; 
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; 
c) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người đủ 70 tuổi trở lên; 
d) Đối với người đang thi hành công vụ; 
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên.
4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng trở lên.
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.