Việt Nam có hơn 1,3 triệu đồng bào Khmer, sinh sống chủ yếu tại miền Tây Nam bộ, đặc biệt, đồng bào Khmer ở vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện đang kế thừa một di sản văn hóa vô giá, đó là kho tàng nhạc khí dân tộc rất phong phú, đa dạng, mang đặc trưng văn hóa của đồng bào Khmer, trong đó có nghệ thuật Chầm riêng Chà pây (Chầm Riêng nghĩa là hát, Chà Pây tức là cây đàn Chà Pây), một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian có từ lâu đời, trong đó tập trung nhiều ở 2 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh.  

Nghệ thuật Chầm riêng Chà Pây của người Khmer

Trong kho tàng âm nhạc truyền thống của dân tộc Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long, Nghệ thuật Chầm riêng Chà Pây đây là một loại hình nghệ thuật trình diễn độc xướng, đàn và hát dân gian, có nguồn gốc từ rất lâu đời từng được phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng người Khmer ở Trà Vinh vào những thập niên đầu thế kỷ XX, nhưng hiện nay, Nghệ thuật Chầm riêng Chà pây của người Khmer đang bị mai một dần. 
Theo tiếng Khmer, "Chầm riêng" có nghĩa là hát, "Chà pây" là tên gọi của một loại đàn, được dùng để đệm sau mỗi đoạn hát. Cả cụm từ "Chầm riêng Chà Pây" có nghĩa là "đàn ca" hay "ca kể chuyện". Ngoài ra, loại nhạc cụ này còn được dùng trong nhạc lễ, nhạc cưới và cúng tế thần (gọi là "Chà pây đơn vênh") hoặc được sử dụng để đệm cho hát múa "À day" đối đáp (song ca nam nữ đối đáp). Khi chơi, nghệ nhân thường dựa vào các tích truyện để ứng tác thành những đoạn thơ, chủ yếu thể thơ 4 câu, mỗi câu 7 chữ để hát. Cũng có khi Chầm riêng Chà pây không dựa vào tích truyện nào mà chỉ hát lên những khổ thơ do người nghệ nhân ứng tác tại chỗ, mô tả hiện thực cuộc sống hay thể hiện tâm trạng, mong ước của con người, mang nhiều ý nghĩa giáo dục. Chính vì vậy, ngoài một số bài bản cơ bản, nghệ thuật này phát triển rất đa dạng về nội dung và phong cách thể hiện, có thể trình diễn ở rất nhiều không gian khác nhau, ở mọi nơi, mọi lúc. 
Một số bài bản cơ bản gồm: Phát chây, Phát chây cớt, Som phôn, Som phôn cớt, Ang kô reach chơn prây srây và Ang kô reach chơn prây rốs. 
Chà pây là một loại nhạc khí có nguồn gốc lâu đời từ Ấn Độ. Hộp đàn có nhiều kiểu dáng: thang cân, tứ giác, hình lá bồ đề, hình trái cây, gần giống đàn đáy của người Việt, nhưng thùng đàn to hơn và cần đàn dài hơn, có khi tới 120cm, với 12 phím đàn theo hệ thang âm ngũ cung. Cấu tạo của cần đàn dài như vậy đòi hỏi người chơi phải có kỹ thuật điêu luyện. Chà pây có âm trầm, ấm, sâu lắng, hợp với thể loại âm nhạc tự sự, tình cảm êm đềm. 
Trước khi biểu diễn, nghệ nhân Chầm riêng Chà pây thực hiện nghi thức cúng Tổ. Trong nhà nghệ nhân không lập ban thờ tổ nghề, nhưng trước khi thực hành, nghệ nhân bao giờ cũng theo truyền thống, làm lễ cúng Tổ nghề - người đã sáng tạo ra loại hình nghệ thuật này và đã truyền dạy lại cho mình để tỏ lòng biết ơn và cầu linh hồn các Tổ nghề phù hộ cho minh trình diễn tốt. Lễ cúng thực hiện trong nhà, gồm 03 mâm để đầy các vật cúng gồm: cây bông, một đoạn thân cây chuối để trầu cau, đàn cây, nhang, một mảnh vải trắng, 01 cuộn chỉ đỏ, 01 chén gạo, 01 nải chuối, 01 đĩa thịt heo luộc, 01 đĩa trà, bánh, trái cây, bình trà và 02 chai rượu. 

Nghệ thuật Chầm riêng Chà Pây của người Khmer

Chầm riêng Chà pây là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo của người Khmer ở Trà Vinh, thể hiện sự sáng tạo của con người và có khả năng thích ứng với hoàn cảnh đương đại. Tuy nhiên, do đặc tính truyền miệng mà số lượng nghệ nhân Chầm riêng Chà pây từ trước tới nay không nhiều. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, thế hệ trẻ hiện nay có nhiều loại hình vui chơi, giải trí để lựa chọn, đôi khi có tư tưởng coi thường hoặc không thích học/thưởng thức nghệ thuật truyền thống, nhất là với loại hình nghệ thuật đòi hỏi cao như Chầm riêng Chà pây. Những nguyên nhân trên dẫn đến nguy cơ mai một cao, thậm chí mất hẳn loại hình nghệ thuật này - Theo kết quả điều tra gần đây của Bảo tàng Trà Vinh, trong tỉnh hiện chỉ còn duy nhất nghệ nhân Thạch Mâu (sinh năm 1934) ở ấp Chông Bát, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú là người nắm giữ và có khả năng trình diễn, ứng tác trong Nghệ thuật Chầm riêng Chà pây và một người con trai của ông có theo học nhưng trình độ còn khá hạn chế. Để bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này, các cơ quan chức năng ở địa phương đã có kế hoạch phối hợp với ngành giáo dục ở địa phương tăng cường công tác giáo dục thẩm mỹ và khuyến khích tình yêu nghệ thuật dân tộc nói chung, Nghệ thuật Chầm riêng Chà pây nói riêng cho học sinh trong trường phổ thông ở tỉnh Trà Vinh; có kế hoạch đầu tư kinh phí tuyển chọn những người có năng khiếu để nghệ nhân truyền dạy; tổ chức những cuộc thi tìm hiểu về loại hình nghệ thuật độc đáo này để nâng cao hiểu biết và ý thức trách nhiệm trong việc duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị... 
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu văn hóa Khmer vẫn chưa xác định được Chầm riêng chà pây xuất phát từ đâu và có từ khi nào. Nhưng ở Trà Vinh nói riêng và Tây Nam bộ nói chung, nhất là những vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống thì nghệ thuật này khá phổ biến trong những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Đây là loại hình nghệ thuật độc xướng với đàn Chà pây đệm theo.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc của loại hình nghệ thuật này, năm 2013, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Nghệ thuật Chầm riêng Chà pây vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian.