Ai cũng biết, để thành công, các nhà Quản trị phải có năng lực, quan trọng nhất là có thể quy tụ và sử dụng nhân tài, vì nhân tài là tài sản quý giá nhất của Doanh nghiệp. Tuy vậy, hiểu thế nào về nhân tài? Sử dụng hiệu quả nhân tài nói riêng, nguồn lực con người nói chung, thì các nhà quản trị phải làm gì? “Dụng nhân như dụng mộc” là phải dụng làm sao? Thì khó ai có thể trả lời được đầy đủ. Bởi lẽ mỗi một Doanh nghiệp đều có những đặc thù và hoàn cảnh riêng, cùng một chiêu thức, nhưng vận dụng vào những hoàn cảnh riêng khác nhau, không phải bao giờ cũng có kết quả tương tự.

1 . Xóa bỏ các lề thói lạc hậu, thực hiện các quan điểm tiên tiến trong dùng người

          Nhà quản trị muốn dùng người hiệu quả và hy vọng đắc đạo trong dùng người, phải từ bỏ các thói quen dùng người lạc hậu. Thực tế chứng minh, ở tất cả các lĩnh vực như khoa học, chính trị, quân sự hay công nghiệp... lứa tuổi 30 – 40 là nhóm người có thành tựu và sức sáng tạo nhất. Trong số khoảng 1,300 nhà khoa học và phát minh trên thế giới từ xưa đến nay thì có đến 65% có tuổi từ 20 đến 40 là những người có thành tựu khoa học lớn nhất, mà đỉnh cao nhất tập trung ở tuổi 37.

2 . Triệt tiêu thói sính bằng cấp

          Nhiều người có chân tài thực học nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau mà họ không có văn bằng, Bill Gate là một ví dụ điển hình. Sính bằng cấp sẽ triệt tiêu sự phấn đấu không ngừng học hỏi của một lớp người đã có bằng, từ đó tạo ra lớp người không có ý chí cầu tiến và cũng nảy sinh tệ nạn bằng cấp giả.

  3 . Chọn người sử dụng không dựa vào quan hệ

           Chọn người phải dựa trên cơ sở thực sự có đức, có tài, không dựa trên quan hệ, con ông cháu cha, hoặc chọn người chỉ vì vụ lợi cá nhân.

 

 

4 . Từ bỏ quan điểm sống lâu thì lên lão làng

          Quan điểm này nếu còn vận dụng sẽ gây ra những hậu quả xấu: Cản trở sự trưởng thành của những người trẻ tuổi, đi ngược quy luật phát triển, làm nhụt ý chí phấn đấu của những người trẻ tuổi, ức chế, kìm hãm, thui chột tài năng

5 . Tuyệt đối không dùng những người tự xưng cái gì cũng biết

          Người càng có khả năng thì khuyết điểm nếu có càng nổi bật, như có núi cao thì cũng có vực sâu. Người tự cho là mình cái gì cũng biết, thực chất là chẳng hiểu sâu sắc điều gì. Không thể có con người hoàn thiện, không thể có con người cái gì cũng biết, cái gì cũng hay. Thực ra mỗi con người chỉ có thể giỏi giang ở một lĩnh vực nào đó mà thôi.