Xây dựng cơ chế can thiệp tâm lý có hiệu quả lâu dài đối với sức khỏe tinh thần học đường là giải pháp can thiệp tâm lý có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với hành vi bạo lực học đường. Công việc này được tiến hành thông qua 3 bước: Thứ nhất là tăng cường giáo dục sức khỏe tinh thần học đường cho học sinh, cảnh báo, phòng ngừa và xóa bỏ xu hướng bạo lực trong nhà trường; Thứ hai là tăng cường công tác quản lý an toàn trường học, nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần học đường cho cán bộ, giáo viên; Thứ ba là tăng cường hợp tác giữa gia đình, nhà trường và xã hội, chú trọng giáo dục sức khỏe tinh thần gia đình.

Tăng Cường Công Tác Giáo Dục Đối Với Các Hành Vi Bạo Lực Học Đường

1. Tăng cường giáo dục sức khỏe tinh thần học đường cho học sinh, cảnh báo, phòng ngừa và xóa bỏ xu hướng bạo lực trong nhà trường.
a. Xây dựng quan niệm giá trị đa dạng, và bồi dưỡng nhân cách toàn diện cho học sinh. Hiện nay, học sinh bị ảnh hưởng bởi tư tưởng thế giới quan đơn nhất, vì một bộ phận giáo viên và phụ huynh chỉ chú ý đến thành tích học tập và tỷ lệ lên lớp của học sinh, mà không coi trọng sức khỏe tinh thần học đường. Bởi vậy, mà những học sinh có thành tích học tập không tốt rất dễ mất đi tinh thần học tập, thậm chí tự than trách bản thân mình. Đối với những học sinh này, mỗi ngày đến trường là một ngày thất bại, bực tức và thất vọng. Khi bị dồn nén trong một thời gian dài, các em sẽ trở nên hụt hẫng, mất niềm tin vào bản thân. Lúc đó, hành vi bạo lực rất dễ xảy ra khi những học sinh này không còn cách nào khác để thể hiện bản thân và thu hút sự chú ý của thầy cô, bạn bè. Hành vi bạo lực lúc này như một thông điệp gửi đến nhà trường và gia đình vì những thiếu sót trong việc giáo dục giá trị cho học sinh.

Tăng Cường Công Tác Giáo Dục Đối Với Các Hành Vi Bạo Lực Học Đường

Bởi vậy, để xóa bỏ đi những nhân tố tâm lý gây nên hành vi bạo lực học đường ở học sinh, chúng ta cần phải đề cao việc xây dựng quan niệm giá trị đa dạng cho các em. Phải giáo dục các em khi nhìn nhận, đánh giá bản thân mình cũng như bạn bè xung quanh mình, không nên chỉ lấy thành tích học tập làm thước đo, giúp các em hiểu rằng mỗi người là một thế giới riêng, với những hoàn cảnh sống, tâm lý, tính cách không giống nhau. Các em cần phải tôn trọng cái riêng của người khác cũng như tôn trọng chính bản thân mình. Khi học sinh có thái độ tích cực, các em sẽ nhìn thấy những ưu điểm của người khác, các em học được cách tôn trọng, nhẫn nhịn, cảm thông và khoan dung với người khác.
Phải tôn trọng và nhìn nhận đúng những trở ngại cũng như những vấn đề tâm lý còn tồn tại của học sinh, bồi dưỡng học sinh phát triển nhân cách toàn diện. Thực tế cho thấy, những học sinh có hành vi bạo lực học đường thì tính cách của các em thường có những đặc điểm như sau: (1) Thiếu khả năng tự kiềm chế và chịu trách nhiệm về hành vi của bản thân; (2) Không chịu nhẫn nhịn trong mọi hoàn cảnh; (3) Thích thể hiện bản thân trước mặt người khác; (4) Coi mình là trung tâm, không có cảm giác về tội ác; (5) Quan hệ với bạn bè xung quanh không tốt.
Trong xã hội hiện nay, những học sinh sinh ra trong gia đình có điều kiện kinh tế và gia đình con một ngày càng đông, lại có những học sinh sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như gia đình có bố mẹ ly hôn, gia đình chỉ có sự chăm sóc của ông bà, gia đình có bố hoặc mẹ vi phạm pháp luật,…Thêm vào đó là những ảnh hưởng không tốt ở trong nhà trường hay ngoài xã hội. Tất cả đã dẫn đến có một bộ phận học sinh xuất hiện những xu hướng lệch lạc về nhân cách như hiếu thắng, coi mình là trung tâm, khả năng chịu đựng kém, thích hư vinh, thích bắt chước người khác, thích mạo hiểm, tư duy kém, dễ bị ảnh hưởng bởi thế giới bên ngoài, hay bị thu hút bởi những trào lưu của giới trẻ.
Nếu các em thiếu sự định hướng của gia đình, nhà trường và xã hội hoặc định hướng không đúng đắn, thì những đặc điểm này có khả năng trở thành động cơ cho những hành vi bạo lực của học sinh. Bởi vậy, bồi dưỡng nhân cách toàn diện cho học sinh có vai trò rất quan trọng trong việc ngăn chặn bạo lực học đường. Nhà trường phải coi trọng giáo dục sức khỏe tinh thần cho học sinh, dành sự quan tâm đúng đắn và đầy đủ cho học sinh ở những độ tuổi và giai đoạn phát triển khác nhau. Phải sớm phát triển tư vấn và hỗ trợ tâm lý trong trường học, giúp cho học sinh giải tỏa được những nghi ngờ, khúc mắc cũng như những khó khăn tâm lý trong hoạt động sống và học tập của các em.
Trong môi trường học đường cũng như môi trường gia đình, giáo viên và phụ huynh nên định hướng cho học sinh nhìn nhận một cách đúng đắn về tính hiếu thắng, sao cho tính hiếu thắng trở thành động lực cho việc phát triển kiến thức và phát triển năng lực cho học sinh, giúp các em giành được thành tích cao trong học tập. Hỗ trợ các em khắc phục những vấn đề về tính cách như tự ti hay ích kỉ, giúp các em học được cách làm việc nhóm, hợp tác và biết cách chia sẻ với người khác. Hình thành ở các em tấm lòng bao dung, nhân ái, góp phần thúc đẩy quá trình hoàn thiện toàn diện nhân cách cho học sinh.
b. Tăng cường giáo dục sức khỏe tinh thần và rèn luyện kỹ năng thích ứng với các hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống, nâng cao khả năng kiềm chế của học sinh. Mỗi nhà trường nên thành lập một phòng hỗ trợ tâm lý học đường, tuyển dụng một giáo viên chuyên trách về sức khỏe tinh thần học đường, cung cấp cho học sinh những kiến thức về sức khỏe tinh thần, thường xuyên quan tâm đến đời sống tâm lý của các em và định hướng tâm lý vào giáo dục.
Tăng cường giáo dục về sức khỏe tinh thần sẽ giúp cho học sinh học được cách giao tiếp, “đối nhân xử thế” có hiệu quả, giúp cho học sinh biết cách xử lí và giải quyết khi có những tình huống bất ngờ xảy ra, dạy các em biết cách diễn tả những mong muốn của mình một cách hợp lí và bảo vệ quyền lợi của mình một cách hợp pháp, giáo dục cho học sinh biết cách hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau, đồng thời dưới sự giúp đỡ và định hướng của gia đình, nhà trường, khuyến khích các em hình thành các nhóm bạn cùng tiến, các câu lạc bộ học tập, câu lạc bộ năng khiếu, phát động các cuộc thi tìm hiểu về sức khỏe tinh thần học đường, …
c. Kịp thời giải tỏa những áp lực tâm lý cho những học sinh có xu hướng bạo lực. Khuyến khích học sinh mỗi khi có những khó khăn về tâm lý nên tìm đến phòng hỗ trợ tâm lý của nhà trường hoặc tâm sự với thầy cô, cha mẹ, bạn bè thân thiết, không nên tự mình giải quyết mọi việc. Muốn vậy thì thầy cô và cha mẹ nên sớm quan sát và tìm hiểu tâm lý học sinh, kịp thời đưa ra những biện pháp có hiệu quả, tránh việc học sinh xuất hiện những sai lệch về hành vi nghiêm trọng, ngăn chặn và xử lý những xu hướng bạo lực của học sinh từ khi vụ việc còn manh nha. Đối với những học sinh có khuynh hướng bạo lực hoặc đã có những hành vi bạo lực, nên kịp thời có những điều chỉnh về tâm lý, quan tâm hơn đến các em trong cuộc sống, và có những định hướng cho các em về hành vi, không nên chỉ trách phạt mà phải thông qua những cách giáo dục phù hợp để tiến hành ngăn chặn và điều chỉnh, qua đó hình thành cho trẻ kỹ năng tự kiểm soát tâm lý và hành vi của bản thân. Tiến hành phân tích cho học sinh biết điều gì là đúng là sai, những hành vi tự bảo vệ một cách chính đáng không nên đánh đồng với hành vi bạo lực mà nên được khuyến khích.

Tăng Cường Công Tác Giáo Dục Đối Với Các Hành Vi Bạo Lực Học Đường

2. Tăng cường công tác quản lý an toàn trường học, nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần học đường cho cán bộ, giáo viên.
Vai trò của nhà trường đối với việc ngăn ngừa hành vi bạo lực học đường là vô cùng quan trọng. Nên tăng cường tập huấn công tác quản lí an toàn trường học, nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần học đường cho những thầy cô làm công tác chủ nhiệm lớp, phụ trách đoàn đội, trưởng bộ môn và trưởng các phòng ban cũng như cho mỗi giáo viên trong nhà trường.
Một mặt, nêu cao tinh thần “tôn sư trọng đạo”, yêu thương học sinh, giúp đỡ đồng nghiệp. Mặt khác, không ngừng bồi dưỡng cho tập thể cán bộ giáo viên những kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm, đặc biệt là những vấn đề có liên quan đến học sinh. Tập huấn định kỳ nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần học đường và các biện pháp quan sát, phát hiện, can thiệp, hỗ trợ tâm lý cho những học sinh gặp khó khăn về tâm lý. Yêu cầu mỗi giáo viên phải trở thành một tấm gương sáng về chuẩn mực đạo đức, tác phong nghề nghiệp và trình độ chuyên môn.
Để thực hiện được những công việc nêu trên, nhà trường có thể mời các chuyên gia hay những người có kinh nghiệm về sức khỏe tinh thần học đường về chia sẻ kiến thức với tập thể cán bộ giáo viên, đồng thời có thể tổ chức các cuộc thi giữa tập thể giáo viên trong nhà trường về kiến thức tâm lý giáo dục cũng như kỹ năng quan sát, phát hiện, can thiệp và hỗ trợ tâm lý cho học sinh.
Nên xây dựng cơ chế bảo vệ sức khỏe tâm tinh thần cho giáo viên. Có thể tiến hành theo ba cấp như sau: Cấp thứ nhất, phổ cập những kiến thức về sức khỏe tinh thần học đường, nâng cao kiến thức tâm lý giáo dục cho giáo viên; Cấp thứ hai, tư vấn và định hướng sức khỏe tinh thần, kịp thời xóa bỏ những biểu hiện tâm lý tiêu cực của giáo viên; Cấp thứ 3, trị liệu và hỗ trợ giải quyết những trở ngại tâm lý cho giáo viên.
Đối với những giáo viên có hành vi bạo lực với học sinh hoặc đồng nghiệp, nên kịp thời xử lý nghiêm minh, để đảm bảo tính nêu gương trong môi trường giáo dục, giúp cho giáo viên và nhà trường thực sự trở thành những nhân tố tích cực trong việc ngăn chặn và giảm bớt hành vi bạo lực học đường. Để nhà trường thực sự trở thành một môi trường học thuật an toàn và công bằng.

Tăng Cường Công Tác Giáo Dục Đối Với Các Hành Vi Bạo Lực Học Đường

3. Tăng cường hợp tác giữa gia đình, nhà trường và xã hội, chú trọng giáo dục sức khỏe tinh thần gia đình.
Trong việc phát hiện, ngăn chặn và giải quyết hành vi bạo lực học đường thì giáo dục nhà trường đóng vai trò chủ đạo, giáo dục gia đình đóng vai trò then chốt và sự cộng hưởng của xã hội giữ vai trò quan trọng. Phải tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, mỗi nhân tố cần làm tốt vai trò và trách nhiệm của mình, đặc biệt là giáo dục gia đình, vì mỗi gia đình là đơn vị độc lập trong khi các nhà trường là một tập hợp có hệ thống, có chế tài quản lý và giám sát của các cơ quan chức năng.
Gia đình nên chịu trách nhiệm tích cực trong việc giám hộ con cái, giải quyết những vấn đề của gia đình làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, đặc biệt chú trọng đến việc bồi dưỡng nhân cách toàn diện, hình thành phẩm chất đạo đức cũng như thói quen sinh hoạt tốt cho trẻ. Mỗi bậc cha mẹ nên chú ý đến tất cả những hành vi và biểu hiện của con cái, đặc biệt là những hành vi bất thường của trẻ, nên thường xuyên trò chuyện cùng con, để sớm phát hiện ra những vấn đề mà tuổi trẻ hay gặp phải, trong đó có những vấn đề về tâm lý. Đối với những học sinh có xu hướng bạo lực, thì gia đình nên chủ động hợp tác với nhà trường để kịp thời ngăn chặn và định hướng cho con cái tìm ra những cách giải quyết mâu thuẫn hợp lý mà không cần dùng đến vũ lực.
       Cho dù can thiệp tâm lý đối với hành vi bạo lực học đường ở học sinh tiếp cận theo hướng nào (trước hay sau khi hành vi bạo lực học đường xảy ra, hoặc ngay khi xảy ra hành vi bạo lực), thì hiện nay những vấn đề này cũng chỉ được thể hiện trên lý luận, nhất thiết cần phải được đưa vào vận dụng trong thực tế để kiểm chứng. Mô hình can thiệp tâm lý đối với hành vi bạo lực học đường ở học sinh vẫn cần phải mở rộng việc nghiên cứu, phân tích, ứng dụng và đánh giá để tìm ra mô hình ưu việt nhất giúp phòng ngừa hiệu quả hành vi bạo lực học đường.