Thành Nhà Hồ Ở Thanh Hóa
Thành Nhà Hồ (thành do Hồ Quý Ly xây dựng năm 1397) còn gọi là thành Tây Đô hoặc Tây Kinh (kinh đô phía Tây Đại Việt), thành An Tôn (thành ở khu vực động An Tôn thời Trần), thành Tây Giai (vì ở phía Tây thuộc địa phận thôn Tây Giai), Thạch Thành (tòa thành xây dựng bằng đá), Thành Nội (vòng thành quan trọng bên trong La Thành) thuộc địa phận 2 xã Vĩnh Long, Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Khu di sản Thành Nhà Hồ cách thủ đô Hà Nội khoảng 150km về phía Nam, cách thành phố Thanh Hóa khoảng 45km về phía Tây Bắc. Từ Hà Nội có thể đến di tích theo đường quốc lộ 1A sau đó rẽ về phía Tây theo con đường 7 qua Kim Tân, hoặc theo con đường 217 qua xã Hà Trung, Hà Lĩnh. Từ thành phố Thanh Hóa có thể đến di tích theo con đường 45. Còn nếu đi theo đường Hồ Chí Minh, từ cả hai phía Bắc – Nam đều có thể đến di tích theo con đường 45 qua Cẩm Thủy.
Nếu đi đường thủy, theo sông Lèn hay sông Mã có thể đi đến di tích từ hai hướng: từ biển Đông đi lên và từ Quan Hóa - Bá Thước đi xuống.
Trong lịch sử Việt Nam, Thanh Hóa nổi tiếng là một vùng có lịch sử văn hóa lâu đời, quê hương của nền văn minh Đông Sơn và trống đồng Đông Sơn nổi tiếng. Suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, Thanh Hóa luôn luôn chiếm giữ vị thế địa lý cực kỳ quan trọng.
Có thể thấy các nguồn sử liệu Việt Nam đều thống nhất việc năm 1397 Hồ Quý Ly cho xây dựng kinh đô mới ở động An Tôn, nay thuộc các xã Vĩnh Yên, Vĩnh Long, Vĩnh Tiến, Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Trong kinh đô mới này, tòa thành đá đồ sộ do Hồ Quý Ly ra lệnh xây dựng, nên ngày nay dân gian thường quen gọi là Thành Nhà Hồ.
Trên vùng đồng bằng rộng lớn của huyện Vĩnh Lộc, Thành Nhà Hồ được quy hoạch gồm hai vòng thành bao bọc lẫn nhau. Đây cũng là đặc điểm chung của hầu hết các kinh đô ở phương Đông như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, thường gồm có hai hay ba vòng thành bao bọc lẫn nhau.
Trong đó, vòng thành trong cùng bao bọc bảo vệ nơi làm việc và ăn nghỉ của Hoàng đế, Hoàng gia và triều đình là quan trọng nhất, được gọi là Hoàng thành. Ở khu di tích Thành Nhà Hồ, vòng thành đá hình vuông hiện còn chính là Hoàng thành.
Thành Nhà Hồ mở 4 cửa, trong đó hướng chính của thành là hướng Nam. Đây cũng chính là đặc điểm chung của các kinh thành phương Đông với quan niệm Nhà vua là bậc Thánh nhân phải ngoảnh mặt về phía Nam để cai trị thiên hạ (Thánh nhân Nam diện nhi thính thiên hạ) (Kinh dịch - Trung Quốc).
Vây quanh tòa thành đá là Hào thành. Bao bọc toàn bộ Kinh thành là La Thành được đắp bằng đất với quy mô lớn rộng tới 5.480 hécta. Trong các vòng thành, các cung điện, miếu đàn được sắp xếp xây dựng. Ở chính giữa Nội Thành là Chính điện thiết triều, mà dấu tích hiện còn là Nền Vua và đôi rồng đá tượng trưng cho uy quyền của Hoàng đế.
Di sản Thành Nhà Hồ là điểm đến hấp dẫn trong quần thể các điểm du lịch quan trọng của tỉnh Thanh Hóa: di tích Lam Kinh (Thọ Xuân), đền Bà Triệu (Hậu Lộc), Phù Luông (Quan Hóa), suối Cá thần Cẩm Lương (Cẩm Thủy), động Từ Thức, cửa Thần Phù (Nga Sơn), Bến En (Như Thanh), hòn Trống Mái, đền Cô Tiên, đền Độc Cước (cụm di tích Sầm Sơn), cầu Hàm Rồng (TP.Thanh Hóa) và các di tích khảo cổ văn hóa Núi Đọ, Đông Sơn v.v.
Viết bình luận: