Khu di tích lịch sử Côn Đảo (Nhà tù Côn Đảo) thuộc huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, gồm hệ thống nhà tù ở Côn Đảo và các nghĩa trang thuộc hệ thống nhà tù này. Ngày nay chúng ta có thể ra thăm Côn Đảo bằng đường máy bay hoặc đi tàu biển, Côn Đảo cách thành phố Vũng Tàu 97 hải lý (khoảng 175 km) theo đường biển.

 

 

      Trong lịch sử, chính quyền thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã cho xây dựng 127 phòng giam, 42 xà lim và 504 phòng giam biệt lập – “chuồng cọp” tại khu vực Côn Đảo. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất (1975), chức năng của hệ thống nhà tù ở Côn Đảo bị giải thể.

 Năm 1979, Khu di tích lịch sử Côn Đảo đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia, với 17 di tích:  

1. Nhà Chúa Đảo ; 2. Cầu Tàu ; 3. Trại 1 ; 4. Trại 2 ; 5. Trại 3 ; 6. Trại 4 ; 7. Trại 5 ; 8. Trại 6 ; 9. Trại 7 ; 10. Trại 8 ; 11. Trại  9 ; 12. Phòng điều tra ; 13. Cầu Ma Thiên Lãnh ; 14. Khu biệt lập Chuồng Bò ; 15. Lò Vôi ; 16. Nhà Công Quán ; 17. Nghĩa trang Hàng Dương

       Nếu đã đến Côn Đảo, chúng ta không quên ghé thăm Nghĩa trang Hàng Dương, vì đây là nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị địch bắt, tù đày, hy sinh trên mảnh đất Côn Đảo. Mỗi nắm đất ở nghĩa trang Hàng Dương là một dấu tích đấu tranh của người chiến sĩ Cách mạng. Đã có hơn 20.000 người Việt Nam yêu nước ngã xuống tại mảnh đất Côn Đảo. Tuy nhiên, sau giải phóng đến nay, những gì còn lại ở Côn Đảo chỉ là 2.000 ngôi mộ ở nghĩa trang Hàng Dương dưới chân núi Chúa, trong đó không đầy 700 ngôi mộ có ghi họ tên. Và đã có những câu thơ kể về Côn Đảo như thế này:

“Núi côn Lôn được pha bằng máu
Đất Côn Lôn năm, sáu lớp xương người
Mỗi bước chân che lấp một cuộc đời
Mỗi tảng đá là một trời đau khổ”
“Nghĩa địa Hàng Dương vùi chôn bao số phận
Hết lớp này, lớp khác dập lên trên
Mặt phẳng lì không mô đất nhô lên
Không bia mộ, không tên và không tuổi”…

       Nghĩa trang Hàng Dương Có diện tích khoảng 20 ha, được khởi công xây dựng và tôn tạo ngày 19/12/1992 gồm 5 khu: Khu A có 690 ngôi mộ (có 7 mộ tập thể) trong đó 91 mộ có tên và 599 mộ khuyết danh (là các mộ có từ năm 1945 trở về trước). Nơi đây có ngôi mộ của cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và nhà yêu nước Nguyễn An Ninh; Khu B1 gồm 210 ngô mộ (có 14 mộ tập thể) trong đó 62 mộ có tên và 148 mộ khuyết danh, đa số các mộ có từ năm 1945 -1960; Khu B2 có 485 ngôi mộ (có 3 mộ tập thể) trong đó 218 mộ có tên và 267 mộ khuyết danh đa số các mộ có từ năm 1945 -1962. Nơi đây có ngôi mộ của nữ anh hùng liệt si Võ Thị Sáu, anh hùng Cao Văn Ngọc và anh hùng Lưu Chí Hiếu; Khu C gồm 374 ngôi mộ (có 1 mộ tập thể) trong đó 327 mộ có tên và 47 mộ khuyết danh đa số các mộ có từ năm 1960 -1975. Nơi đây có ngôi mộ của anh hùng Lê Văn Việt và nữ anh hùng Nguyễn Thị Hoa (Trần Thị Thanh); Khu D có 162 ngôi mộ trong đó 15 mộ có tên và 147 mộ khuyết danh, đặc biệt khu D là khu mộ qui tập những nắm mộ từ Hòn Cau, Hàng Keo và rải rác ở các nơi về. Nơi đây có ngôi mộ của anh hùng Trần Văn Thời.

       Nhà tù Côn Đảo là một di tích đặc biệt (di tích nhà tù). Đây là nơi tập trung nhất hệ thống cai trị tù khét tiếng của Pháp và Mỹ, điển hình về chế độ cưỡng bức, giam cầm, hành hạ và tàn sát các chiến sỹ cách mạng, tù nhân lao động khổ sai đến kiệt sức; là nơi mà kẻ thù hung bạo phải run sợ trước khí phách, khí tiết cách mạng và niềm lạc quan của người tù yêu nước.

 

 

       Nhà tù Côn Đảo cũng là "Trường học Cộng sản" rèn luyện phẩm chất, ý chí của các chiến sĩ Cộng sản trên trận tuyến nhà tù, đồng thời là nơi giáo dục truyền thống đấu tranh anh dũng, lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của các thế hệ hoạt động cách mạng tiền bối cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.