Xâm Hại Tình Dục Trên Môi Trường Mạng Đối Với Trẻ Vị Thành Niên
Cũng giống như với trẻ nhỏ, chúng ta cần để trẻ vị thành niên thấy rằng chúng ta quan tâm đến những gì trẻ làm hay những người trẻ gặp gỡ qua Internet. Đơn giản hãy hỏi trẻ “Hôm nay trên mạng có gì vậy con?” giống như bạn vẫn thường hỏi về một ngày ở trường của con. Dùng những câu hỏi mở để bắt đầu cuộc trò chuyện với trẻ nhưng đừng mong đợi những câu trả lời dài hay chi tiết, chúng ta cần làm quen với điều đó. Trẻ trong độ tuổi thanh thiếu niên thường bận rộn với cuộc sống của riêng mình hơn và không muốn chia sẻ nhiều với người lớn.
Ngay cả khi bạn với vai trò là cha mẹ hay người lớn không nhận được sự hợp tác của trẻ, hãy tiếp tục đặt câu hỏi thường xuyên và để con thấy bạn thực sự quan tâm đến trẻ. Đừng ngại nếu trẻ cằn nhằn. Bố mẹ cần phải nhớ rằng những năm tháng vị thành niên là thời gian trẻ vẫn rất cần sự hỗ trợ và quan tâm của cha mẹ trong cuộc sống thường ngày cũng như trên môi trường mạng. Đây là giai đoạn mà ý thức về tình dục của trẻ dần hình thành và trẻ có mong muốn được chú ý và yêu thích – những trẻ này có nguy cơ bị xâm hại trên mạng nhiều hơn. Kẻ xấu thường hiểu rất rõ mong muốn được tự khẳng định mình của trẻ và khai thác điều đó thông qua tương tác trên môi trường mạng, ví dụ như chúng thể hiện sự chú ý và đăng những nhận xét tích cực về ngoại hình của trẻ.
Tò mò và mong muốn khám phá những điều mới mẻ là điều hoàn toàn tự nhiên trong sự phát triển của mỗi đứa trẻ. Chúng ta cũng cần biết rằng không phải lúc nào trẻ em cũng là đối tượng bị tìm đến; đôi khi các em cũng tự chủ động tìm kiếm trên mạng những người bạn mới và “thú vị”. Chúng ta cần phải có cái nhìn đa chiều hơn về nạn nhân và thủ phạm, đồng thời quên đi khái niệm về một “Lão già xấu xa”. Kẻ xấu rất có thể là một ai đó trong cùng độ tuổi của trẻ.
Nhiều trẻ nhận ra được những rủi ro nhưng trẻ vẫn khó có thể tự liên hệ vấn đề này với bản thân và những mối quan hệ của chính mình. Hãy giải thích với trẻ rằng rất có thể những người mà trẻ liên lạc trên internet không giống với con người của họ ngoài đời thực- ẩn sau một cái tên hoặc một tấm hình có thể là bất cứ ai. Hãy trò chuyện về những ranh giới, nhắc nhớ trẻ rằng “Không luôn có nghĩa là không”, rằng trẻ có quyền dừng liên lạc nếu trẻ cảm thấy có gì đó không ổn. Hãy nói với con rằng trẻ hoàn toàn không phải cung cấp tên, gửi ảnh hay cho người khác nhìn thấy mình qua webcam. Một lời khuyên hữu ích là không mở webcam cho đến khi thấy người kia đã mở.
Nói chuyện về xâm hại tình dục trên Internet một cách thẳng thắn có thể là điều khó khăn với cả người lớn và trẻ vị thành niên. Nhưng những điều khó khăn và nhạy cảm đó rất có thể sẽ giúp bảo vệ trẻ khỏi các hành vi bạo lực và xâm hại tình dục. Đó là lý do vì sao người lớn chúng ta phải đối mặt với thử thách, bước ra khỏi vùng an toàn và nói về những chủ đề khó này. Thời điểm thuận lợi để nói về vấn đề này một cách tự nhiên là khi nó được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông. Chia sẻ những suy nghĩ và cảm nhận của riêng bạn về những tin tức bạn nghe được, nhưng cố gắng không khiến trẻ cảm thấy mình có lỗi. Nhắc nhớ trẻ về quyền của trẻ đối với chính cơ thể của mình: “Con biết rằng mỗi người đều có quyền kiểm soát cơ thể của mình và con hoàn toàn có thể nói “Không” chứ? Chính con là người được quyền quyết định điều gì là tốt nhất”. Đồng thời nhắc trẻ rằng không có bất cứ ai được chụp ảnh trẻ và lan truyền những hình ảnh này nếu không được trẻ cho phép, đó là một hành động xâm hại và trẻ có thể nói về chuyện này với cha mẹ bất cứ khi nào trẻ muốn, ngay cả khi một bức ảnh của trẻ đã được gửi đi hoặc có một điều gì đó đã xảy ra.
Cảm giác xấu hổ, tội lỗi và sợ hãi có thể khiến trẻ không muốn nhắc đến những sự cố khó chịu trên mạng, đây là một trong những điều những kẻ xấu có thể lợi dụng. Vì vậy sẽ tốt hơn nếu có một người lớn khác mà trẻ tinh tưởng và có thể chia sẻ cùng. Nếu bạn là bố mẹ, hãy cố gắng nghĩ đến một ai đó có thể hỗ trợ và giúp đỡ trẻ trên mạng - một người anh/chị của trẻ hoặc một người trưởng thành đáng tin cậy - người có thể đặt câu hỏi cho trẻ theo cách khiến trẻ dám chia sẻ câu chuyện và suy nghĩ của mình. Đồng thời, hãy nhớ rằng bạn hoàn toàn có thể trở thành một người lớn đáng tin cậy của những đứa trẻ khác. Trò chuyện về Internet với người khác vừa có thể giúp bạn giải tỏa những lo lắng của riêng mình, vừa để họ thấy rằng bạn luôn sẵn sàng trở thành một người tin cậy có thể nói chuyện với con của họ.
* Con luôn có thể nói “không”nếu con không muốn điều gì đó.
• Tiếp tục quan tâm tới những việc trẻ làm trên mạng ngay cả khi bạn gặp sự phản đối của trẻ. Đừng ngại nếu bạn có cảm giác đang làm phiền trẻ.
• Hãy nhắc trẻ rằng con luôn có quyền nói “Không” và chấm dứt liên hệ với ai đó nếu con không thấy thoải mái.
• Hãy dạy trẻ rằng trẻ không cần phải cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào, không cần bật webcam hay gửi hình ảnh.
• Hãy can đảm nói chuyện với trẻ về bạo lực và xâm hại tình dục ngay cả khi bạn thấy bối rối và điều đó rất khó khăn.
• Hãy tìm một người lớn có trách nhiệm khác có thể hỗ trợ nếu trẻ không dám hay không muốn nói chuyện với bạn.
Viết bình luận: