Kinh đô là trung tâm chính trị - hành chính và đi liền với nó là trung tâm quân sự, kinh tế và văn hoá của một đất nước. Bất cứ một triều đại, một thể chế chính trị nào khi nắm chính quyền, công việc đầu tiên phải là xác định vị trí đóng đô.
Việc dời đô và định đô là công việc có ý nghĩa trọng đại không chỉ phản ánh nhu cầu của triều đại, của đất nước, xã hội, mà còn là thước đo trình độ kinh tế - xã hội, trình độ văn hóa, văn minh của một đất nước, một vương triều.
Người xưa từng tổng kết việc dời đô, định đô: “Cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh”.
Như thế, dưới mắt của các chiến lược gia, kinh đô phải là nơi hội tụ và kết tinh tinh hoa của quá khứ, phản ánh đầy đủ và chân thực đời sống hiện tại, có khả năng đại diện và dẫn dắt tương lai phát triển của đất nước.
Nước Đại Việt kể từ các triều đại vua Hùng đã diễn ra nhiều cuộc định đô và dời đô, mỗi lần như vậy hoặc là phản ánh yêu cầu khác nhau của từng giai đoạn lịch sử, hoặc là chọn vùng ảnh hưởng hoặc quê hương của vị vua triều đại đó. Vì vậy mà cõi đất Phong Châu của vua Hùng, Cổ Loa của Thục Phán, Mê Linh của Hai Bà Trưng, Hoa Lư của Đinh Bộ Lĩnh rất bề vững. Sau này Hồ Quý Ly dời dô về Tây Đô, nhà Nguyễn đóng đô ở Phú Xuân, nhà Tây Sơn đóng đô ở Bình Định, chính quyền thời Pháp đô hộ, hay chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đóng đô ở Sài Gòn. Những kinh đô này thời gian tồn tại là điều được giới Sử học và nhà Phong thủy rất quan tâm cần có những nghiên cứu thống nhất.
Nhiều triều đại khi lập quốc đóng đô tại quê hương như: Hai Bà Trưng ở Mê Linh, Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư, Hồ Quý Ly ở Tây Đô, Nhà Tây Sơn đóng đô ở Bình Định nhưng thời gian tồn tại khá ngắn ngủi... Đến thời Lý Công Uẩn lên ngôi thì ông lại không chọn quê hương Kinh Bắc, mặc dầu đó là quê gốc của ông, mà lại chọn Đại La làm kinh đô vì Lý Công Uẩn thấy rõ tầm quan trọng của kinh thành đối với vận mệnh của đất nước và vương triều. Theo ông, việc định đô phải nhằm “mưu toan nghiệp lớn, tính kế cho con cháu muôn vạn đời”. Ông nhận thấy “thành Hoa Lư ẩm thấp, chật hẹp, không đủ làm chỗ ở của đế vương, muốn dời đi nơi khác”.
Đầu năm 1010, Lý Công Uẩn tự tay viết Chiếu dời đô nói rõ lý do dời đô và quyết định chọn thành Đại La (Hà Nội) làm đô thành của nước Đại Việt. Bài chiếu có đoạn viết: “Chỉ vì muốn đóng đô ở trung tâm mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu, trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi. Cho nên vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam, Bắc, Đông, Tây, lại tiện hướng nhìn sông, tựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng.
Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ, ngập lụt, muôn vật rất mực phong phú, tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước. Cũng là kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”.
Việc Lý Công Uẩn quyết định dời đô ra Thăng Long ngay sau khi ông lên ngôi vua một năm, không đơn giản chỉ là việc di chuyển kinh đô từ địa điểm này sang địa điểm khác, mà nó thể hiện một tầm nhìn xa trông rộng của người khởi nghiệp nhà Lý; phản ánh sự trưởng thành của dân tộc ta, thể hiện sức sống của một dân tộc anh hùng.
Cuốn sách “Tìm hiểu kinh đô các triều đại Việt Nam” sẽ phân tích sâu của các nhà khoa học về từng kinh đô Việt Nam từ nhiều góc độ khác nhau như:
- Lịch sử hình thành các kinh đô này,
- Phân tích Thế phong thủy tốt hay xấu của kinh đô cho sự phát triển của dân tộc,
- Thời gian tồn tại của kinh đô đó dài hay ngắn và vì sao như vậy?
- (Chọn thế phong thủy khi an táng để con cháu phát tài )
Từ những phân tích của những nhà khoa học xưa và nay sẽ giúp độc giả có cái nhìn cụ thể về từng kinh đô. Qua tìm hiểu từng kinh đô bạn đọc sẽ thấy được tầm nhìn chiến lược của Lý Công Uẩn về định đô ở Thăng Long là kinh đô muôn đời của nước Việt Nam ta.
Sách có dày 350 trang, in bìa cứng, giấy FO nhập khẩu cao cấp, và có 8 trang đầu in hình ảnh màu bằng giấy COSXE đặc biệt , giá phát hành 340,000đ/ 1 cuốn